Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu không có những chuyển biến về cách làm, tiếp thu công nghệ, ngành công nghiệp này sẽ gặp khó khăn hơn trong hội nhập tới đây.
Tiếp tục chậm nếu không liên kết
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu hình thành các chuỗi sản phẩm ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến một số các dòng sản phẩm chính là ô tô dưới 9 chỗ ngồi cũng như các ô tô tải, ô tô phục vụ cho các nhu cầu vận chuyển trong sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên, vấn đề xây dựng cụm công nghiệp ô tô đã được bàn tính từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào và cũng chưa làm được gì. Việc hình thành các cụm công nghiệp ô tô góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm. Cụm công nghiệp ô tô là điều kiện quan trọng để tạo liên kết vùng giúp DN thúc đẩy chuyên môn hóa, giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh. Thực tế, ngay cả khi hiện nay cả nước mới chỉ có 17 nhà sản xuất ô tô thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhưng lại cần rất nhiều nhà sản xuất linh kiện. “Việc lập các cụm công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô tại Việt Nam là vấn đề hết sức cấp thiết, nhưng vấn đề này vẫn loay hoay chưa được hình thành, DN sản xuất, lắp ráp ô tô phân tán đang là những hạn chế cần sớm khắc phục. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần tạo điều kiện sớm phát triển các cụm công nghiệp ô tô, tạo năng lượng cho DN trong nước để đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhất là khi DN nước ngoài mở rộng sản xuất…” - Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nói rõ hơn: Khi hình thành được cụm công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao quy mô thị trường, tăng cường nội địa hóa giảm chi phí sản xuất sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tăng cường chuyển giao công nghệ
Mặc dù nhiều DN sản xuất ô tô Nhật Bản thời gian qua đặt vấn đề đang cân nhắc việc sẽ rời sang một số nước lân cận để đầu tư, song cũng có không ít DN lại nhìn thấy tiềm năng nếu biết khắc phục những tồn tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đánh giá về tiềm năng và cơ hội của DN hai nước, ông Otsuka Tetsuhisa - Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam khẳng định, thời điểm hiện nay chính là lúc DN Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác bền vững hơn, vì đã tiến gần lại với những điểm chung cơ bản. Với sự hỗ trợ của các DN Nhật Bản, các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam sẽ sớm vươn tới khả năng sản xuất các sản phẩm, linh kiện chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của ngành ô tô nước nhà. Bởi, trong xu thế phát triển tất yếu ngành CNHT nói chung, lĩnh vực ô tô điện nói riêng, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. “Công ty CP NC Network Việt Nam có thể giúp DN Việt Nam làm được những điều này bằng rất nhiều hình thức hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, và thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi giữa hai bên Việt – Nhật” - ông Otsuka Tetsuhisa nhấn mạnh.
Ông Otsuka Tetsuhisa cũng thông tin, tới đây, Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) phối hợp với Công ty CP NC Network Việt Nam sẽ tổ chức chương trình đào tạo dành cho các DN công nghiệp chế tạo. Theo đó, sẽ có một chuỗi hoạt động diễn ra từ tháng 8 - 11/2017, nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật, chất lượng, quản trị... hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ra thế giới, trong đó có thị trường Nhật Bản. Trong đó, DN Nhật Bản mong muốn tìm ra những điểm triển vọng mới cho sự hợp tác có những bước tiến mới. Công ty CP NC Network Việt Nam sẽ mời các hãng sản xuất của Nhật Bản đến trao đổi với các DN Việt về mong muốn cần thiết cung cấp các sản phẩm, cũng như giới thiệu các công nghệ mới nhất hiện nay của Nhật Bản.
Sự tích tụ để hình thành các cụm công nghiệp ô tô ở Việt Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) |