Đặc biệt, đối với vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành mà địa giới được phân chia bởi những dòng sông thì việc đảm bảo ANTT càng khó khăn hơn nếu không có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các bên.
Địa bàn trọng điểmThị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn thị xã ngoài dân cư đông đúc còn là nơi đóng quân của nhiều đơn vị quân đội, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và Tòa Giám mục quản lý hoạt động của Giáo phận Hưng Hóa thuộc 10 tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, thị xã Sơn Tây là trung tâm của nhiều đầu mối giao thông quan trọng, điểm xuất phát của Quốc lộ 21A nối liền Quốc lộ 32 với Quốc lộ 6 đến các tỉnh Tây Bắc; điểm xuất phát của Quốc lộ 2C nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 2A và các khu du lịch Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, khu du lịch Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Do đó, thị xã Sơn Tây có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ phía Tây của Thủ đô Hà Nội.
|
Cầu Vĩnh Thịnh điểm đầu thị xã Sơn Tây. Ảnh: Đàm Quân |
Năm 2014, sau khi khánh thành cầu Vĩnh Thịnh, cây cầu vượt sông Hồng dài nhất Việt Nam thời điểm đó, Sơn Tây được nối liền huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đây là huyện có địa bàn rộng, nằm trung tâm giữa 3 đô thị lớn là TP Việt Trì (Phú Thọ), thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như vậy, cầu Vĩnh Thịnh được đưa vào sử dụng đã đặt ra nhiều vấn đề về ANTT và an toàn xã hội cho các địa bàn giáp ranh. Theo đánh giá của lãnh đạo hai địa phương, tình hình ANTT có nhiều biến động và có diễn biến phức tạp hơn. Giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện để các đối tượng phạm tội và tệ nạn xã hội có điều kiện hoạt động liên tục, không ranh giới. Đặc biệt, qua nắm bắt địa bàn đã có dấu hiệu của sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng tội phạm để hoạt động phạm tội hoặc lẩn trốn sau khi gây án...
Liên kết chặt chẽChủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, đứng trước tình hình đó, ngay sau khi cầu Vĩnh Thịnh đi vào hoạt động, ngày 29/8/2014, lãnh đạo thị xã và huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã thành lập Ban chỉ đạo phối hợp thực hiện mô hình liên kết đảm bảo ANTT, bảo vệ công trình cầu và địa bàn giáp ranh. Theo đó, đã chỉ đạo các lực lượng liên quan nắm vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các loại tội phạm hình sự, tội phạm về kinh tế, môi trường và ma túy trên địa bàn. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân.
Sau 3 năm phối hợp hoạt động, các lực lượng đã điều tra làm rõ 181 vụ 216 đối tượng phạm tội. Trong đó, bắt 4 vụ 12 đối tượng đánh bạc, 29 vụ 32 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Đồng thời, xử phạt 32 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, 64 trường hợp vi phạm trật tự đô thị. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã cảm hóa giáo dục tại nhà 1.125 lượt đối tượng, hòa giải 28 vụ mâu thuẫn nhỏ trong Nhân dân. Các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn đảm bảo ANTT, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây và huyện Vĩnh Tường.
Mô hình liên kết đảm bảo ANTT, bảo vệ công trình cầu Vĩnh Thịnh và địa bàn giáp ranh bước đầu đã có những kết quả, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thiếu tá Hoàng Tuấn Anh - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào Công an huyện Vĩnh Tường, công tác trao đổi thông tin về đối tượng đến địa bàn chưa thường xuyên. Mặt khác, do địa bàn giáp ranh được ngăn cách bởi sông Hồng nên khi vụ việc xảy ra trên sông, việc xác định ranh giới để phân định thẩm quyền điều tra, xử lý theo lãnh thổ được quy định trong luật gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, nhiều cơ quan liên quan phối hợp vào cuộc thực hiện.