Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác trên từng ngành, từng lĩnh vực. Qua đó, đưa ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Ngọc Tam Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP HCM với các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ngoài ra, sự hợp tác toàn diện giữa TP HCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững. Từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Theo đó, trong những năm quan chương trình hợp tác đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực như: Thương mại, công thương, nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, đô thị môi trường, giao thông - vận tải, văn hóa - thể thao, phát thanh và truyền hình, lao động thương binh và xã hội... tất cả đều có những bước tiến vượt bậc. Trong đó đáng chú ý về xúc tiên đầu tư và du lịch là hai lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, căn cứ các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, vùng ĐBSCL nói chung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Vùng có kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết, hợp tác kinh tế- xã hội giữa TP HCM và khu vực ĐBSCL còn một số khó khăn tồn tại, cần được khắc phục trong thời gian tới. Chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng. Đặc biệt là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng thiếu nguồn lực mới để phát triển.
Tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An ông Nguyễn Văn Út mong muốn thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL và TP HCM là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng. Đồng thời, đề xuất thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng ĐBSCL và TP HCM với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau".
Chủ tịch UBND TP HCM ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự phát triển của TP HCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành ĐBSCL. Thành phố sẽ tập trung cùng các địa phương để triển khai các nội dung ký kết để có kết quả. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác phối hợp; chủ động rà soát, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để triển khai hiệu quả các lĩnh vực ký kết hợp tác. Sau hội nghị này, TP HCM sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ từng năm cho chương trình hợp tác.
Dịp này, 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của Tp. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực.