70 năm giải phóng Thủ đô

Liên kết để du lịch bứt phá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn kích cầu du lịch, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng miền, tạo điều kiện cho DN du lịch sử dụng chung dịch vụ, từ đó giảm giá tour.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị "Hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020", do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 19/11.
Xây dựng nhiều sản phẩm mới

Tại hội nghị, các đại biểu có chung ý kiến muốn kích cầu du lịch, bên cạnh việc giảm giá tour, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết xây dựng sản phẩm mới, kích thích nhu cầu du lịch của người dân.

Tại Hà Nội, ngay khi hoạt động du lịch nội địa quay trở lại, từ đầu tháng 5 đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình…
 Người dân tìm hiểu các tour du lịch tại hội chợ VITM. Ảnh: Lê Nam
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đi vào hoạt động, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các địa phương tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch như: Chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”, “Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội”… Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với truyền hình cáp CNN quảng bá Hà Nội trên kênh CNN quốc tế, trong đó lồng ghép nội dung quảng bá tour, tuyến du lịch của Hà Nội với các điểm du lịch của các tỉnh, thành khác như: Quy Nhơn (Bịnh Định), Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh)…

Theo Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Đoàn Ngọc Tùng, hoạt động kết nối du lịch đã giúp DN lữ hành chuyên nghiệp hơn khi cung cấp dịch vụ cũng như tìm kiếm điểm đến mới, tăng cường sự trao đổi, thu hút khách giữa các địa phương.

Còn nhiều bất cập

Mặc dù ngành du lịch Hà Nội và các địa phương đã đẩy mạnh liên kết, song hoạt động này thường tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, còn những vấn đề thiết thực như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc xác định thị trường trọng điểm giữa các địa phương vẫn có những khác biệt trong phương thức tiếp cận, xây dựng sản phẩm cũng như nguồn lực không đồng đều.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết, năm 2019, tỉnh Quảng Nam đón 7 triệu lượt khách, trong đó 50% là khách quốc tế. Kết quả này có sự đóng góp của sự liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên việc liên kết chưa tương xứng tiềm năng lợi thế địa phương. Hơn nữa, hoạt động kết nối chủ yếu nhằm vào phân khúc du khách quốc tế, chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. “Để khắc phục bất cập này, cần xây dựng hệ thống cơ chế liên kết cũng như cơ chế nguồn lực vùng với các điều khoản cụ thể theo hướng tạo điều kiện gắn kết các DN lữ hành với nhau và lữ hành các cơ sở lưu trú, dịch vụ” - ông Tường nói.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong đề xuất, Tổng cục Du lịch cần ban hành quy chế liên kết vùng miền trong cả nước, trong đó quy định mỗi vùng đều có ban chỉ đạo đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các tỉnh, thành thực hiện liên kết kích cầu du lịch. Từ đó tạo ra sản phẩm đặc trưng địa phương, tránh trùng lặp, hạn chế cạnh tranh, xung đột không đáng có.

Đề cập đến giải pháp để hoạt động liên kết du lịch đạt hiệu quả hơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương kết nối ba bên giữa các nhà quản lý với DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành trong nước. Đồng thời tăng cường hoạt động thu hút khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương.

Như vậy, để hoạt động liên kết du lịch đi vào chiều sâu, Tổng cục Du lịch cần xây dựng quy chế liên kết với những quy định cụ thể, không mang tính hình thức, trong đó các địa phương luân phiên nhau làm trưởng nhóm liên kết vùng miền, từ đó có những bước đi đồng bộ, vững chắc trong quá trình khai thác thị trường nội địa.

"Trong giai đoạn sắp tới, Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan du lịch địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Ngoài ra, phối hợp xây dựng các sản phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch chung của các địa phương trong vùng liên kết. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc riêng của mỗi địa phương." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương