Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Doanh nghiệp còn hờ hững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) của người dân, Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức, địa phương đã nghiên cứu mở rộng nhiều vùng sản xuất RAT trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, sự phát triển của các vùng RAT vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngày 28/10, tại diễn đàn "Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, các cán bộ, nhà khoa học cũng như doanh nghiệp của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này.

Lãi, nhưng chưa mặn mà

Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm hiện là vùng sản xuất rau an toàn lớn nhất TP Hà Nội, với trên 250ha, cung cấp ra thị trường mỗi năm 15.000 tấn. Tuy nhiên, phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hữu Nhị, Chủ nhiệm HTX Văn Đức cho biết, khó nhất vẫn là khâu tiêu thụ.     

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Văn Đức cũng như nhiều vùng sản xuất RAT khác trên địa bàn thành phố đã khiến người nông dân có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhất là những vùng đất bãi, đất gò đồi khó khăn về nước tưới. Mặt khác, trồng rau có thể thu hoạch được quanh năm, còn trồng lúa phải theo mùa vụ. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Thị Hoa, cho biết, người sản xuất RAT chỉ cần bán cao hơn rau truyền thống khoảng 3% là chấp nhận được; trong khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng mua cao hơn rau truyền thống khoảng 5 - 10%. Vậy tại sao họ vẫn chưa gặp nhau?

Vấn đề nằm ở khâu lưu thông, phân phối chưa ổn, chưa tạo được niềm tin vững chắc về chất lượng RAT trong người tiêu dùng... Theo Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Đào Duy Tâm, việc phát triển các mạng lưới cửa hàng kinh doanh RAT còn gặp nhiều khó khăn, giá thành thuê mặt bằng mở cửa hàng quá đắt. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, việc mở cửa hàng RAT phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng RAT nên rất khó thực hiện đối với các chủ cửa hàng tư nhân. Hiện Hà Nội mới có hai doanh nghiệp chính đang tham gia kinh doanh, phân phối RAT là Công ty Hương Cảnh (phân phối RAT đến 27 siêu thị, cửa hàng và một số bếp ăn tập thể với sản lượng 800 - 1.000 kg/ngày) và Công ty Vietxan với cửa hàng bán RAT và cung cấp rau cho chuỗi nhà hàng đạt sản lượng 500 - 700 kg/ngày.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ

UBND TP cũng vừa chấp thuận cho UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất RAT tập trung tại xã Thọ Lộc, với mức đầu tư 30 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích 50ha, được thực hiện từ năm 2012 - 2014.

Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ RAT hiện nay còn lỏng lẻo khiến quy mô trồng rau còn nhỏ, biện pháp quản lý, tiêu thụ chưa đồng bộ. Đặc biệt là sự nhập nhằng giữa RAT và rau không an toàn dẫn đến tình trạng trồng RAT chưa thắng thế về hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước mới có 199 mô hình với diện tích 2.643ha áp dụng VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn) được chứng nhận, trong đó có 74 mô hình trên rau với diện tích 264,315ha. Diện tích các vùng sản xuất RAT tập trung còn thấp, đạt khoảng 9 - 10% diện tích rau cả nước. Tại Hà Nội, theo đề án phát triển RAT, đến năm 2015 phấn đấu có khoảng 5.000 - 5.500ha RAT nhưng đến thời điểm này, Hà Nội mới có trên 3.200ha RAT được trồng ở các vùng sản xuất tập trung tại Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Trì..., đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn.

Để khắc phục những điểm yếu trong khâu tiêu thụ sản phẩm RAT, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí, cho rằng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp tiêu thụ RAT cần liên kết chặt chẽ với người sản xuất. "Quan hệ hữu cơ, bền vững giữa người sản xuất - hợp tác xã - doanh nghiệp - kênh bán lẻ sẽ thúc đẩy ngành hàng sản xuất RAT của Thủ đô bắt nhịp, hội nhập cùng các nước phát triển" - ông Chí nói.

Ông Đào Duy Tâm, cho biết, sắp tới Hà Nội sẽ đưa đề án thực hiện quy hoạch các chợ đầu mối RAT gắn với các vùng sản xuất lớn và các trục đường giao thông chính. Tùy theo quy mô khu dân cư, Hà Nội sẽ bố trí từ 1 đến 3 cửa hàng bán RAT ở mỗi khu, tổng số cửa hàng kinh doanh RAT sẽ lên đến 550. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí thuê địa điểm cho các cửa hàng kinh doanh RAT với mức 3 triệu đồng/tháng và không giới hạn việc cấp giấy chứng nhận cho các cửa hàng bán RAT, dù đó là các cơ sở nhỏ lẻ hay xe thồ di động.

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý cho Công ty TNHH Hương Cảnh làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất RAT gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm với mức đầu tư hơn 12,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Hương Cảnh sẽ ứng trước toàn bộ vật tư, phân bón, giống rau cho nông dân; nông dân bỏ công lao động sản xuất, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm theo hướng dẫn kỹ thuật và giám sát của Công ty. Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra theo giá thỏa thuận.