Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết với doanh nghiệp để phát triển dược liệu ở Việt Nam

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành T.Ư.

Tại đầu cầu Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, DN bào chế, chế biến là nơi quyết định đầu ra của dược liệu. Do vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi trồng, sản xuất với các DN này.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) gồm 63 bệnh viện YHCT công lập, hệ thống bệnh viên đa khoa có khoa YHCT hoặc tổ YHCT, khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT và gần 7.000 cơ sở hành nghề YHCT tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Đồng thời, cả nước có 26 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đước cấp số đăng ký lưu hành sử dụng dược liệu làm nguyên liệu làm thuốc trong sản xuất. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trong nước.
Kết quả điều tra đến năm 2016 cho thấy, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu như Quế, Hồi, Hòe, Nghệ, Actiso, Sa Nhân, Kim tiền thảo… Tính đến tháng 2/2017, toàn quốc có 200 cơ sở kinh doanh dược liệu, trong đó 12 cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất chế biến dược liệu.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, mỗi năm ngành y tế cần khoảng 130 tấn dược liệu, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Toàn TP có 8 công ty sản xuất thuốc từ dược liệu đạt để thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), 10 công ty phân phối dược liệu đạt GMP, 55 cơ sở bán lẻ dược liệu, trong đó có 2 khu vực tập trung nhiều hộ kinh doan dược liệu là xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) và Phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm). Hàng năm, TP đã chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm nghiệm thường xuyên lấy mẫu kiểm tra. Qua các cuộc kiểm tra phát hiện khoảng 10% dược liệu trên địa bàn không đảm bảo về độ ẩm và tạp chất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tham luận tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam ta có truyền thống vô cùng quý báu về YHCT. Từ thời nhà Lý đến các thời của Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã có những nghiên cứu quý, phát hiện những loại thuốc quý để phát triển YHCT. Trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước đưa ra đường lối mới đó là phát triển y học hiện đại kết hợp với YHCT. “Cả nước có tới hơn 5.000 dược liệu, ở tất các địa phương. Đây là một thế mạnh, một giá trị giao thoa lớn trong điều kiện của đất nước ta. Để phát huy nguồn lực này, hội nghị được tổ chức để chúng ta có nhận thức đúng về YHCT và đưa ra được những chủ trương, giải pháp để phát triển YHCT”, Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ ra những điểm yếu trong YHCH hiện nay như nuôi trồng dược liệu còn nhỏ lẻ, không có đầu ra bền vững, thất thoát lớn. Khai thác chế biến rất nhiều bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất dược liệu còn manh mún, chưa theo kịp các nước. Sản phẩm chế biến từ dược liệu còn nhỏ lẻ. “Chúng ta phải thấy được những bất cập hiện nay trong nuôi trồng dược liệu, trong khám chữa bệnh YHCT. Đề xuất các cơ chế giải pháp, các bước đột phá để thu hút đầu tư để nuôi trồng dược liệu. Phải đặt vấn đề quy hoạch được liệu, đầu tư trọng tâm trọng điểm vào vùng nào, loại nào. Chúng ta cũng cần xem xét có thể coi nuôi trồng dược liệu là lĩnh vực nông nghiệp cao hay không để áp dụng những kỹ thuật công nghệ nghệ cao. Đặc biệt, việc nuôi trồng dược liệu phải đi liền với thị trường, đi liền với các DN bào chế, chế biến, sản xuất, xuất khẩu để có đầu ra, có nguồn nguyên liệu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ mong muốn để phát triển ngành dược liệu tại Việt Nam, đại diện một số đơn vị kiến nghị Chính phủ cần có định hướng cụ thể về quy hoạch phát triển dược liệu, tạo sự liên kết bền vững giữa người sản xuất, nuôi trồng với các DN chế biến, bào chế dược liệu.