Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên minh quốc tế chống IS ngày càng được củng cố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp sự gia tăng sức mạnh cũng như mức độ tàn bạo của IS tại Iraq và Syria, liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến cực đoan tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ ngày 25/9, lên tiếng ủng hộ hoạt động quân sự chống lại các phần tử khủng bố thuộc tổ chức IS ở Iraq và Syria.

 
Nhiều ngôi nhà ở Syria tan hoang sau các cuộc không kích của Mỹ (Ảnh Reuters)
Nhiều ngôi nhà ở Syria tan hoang sau các cuộc không kích của Mỹ (Ảnh Reuters)
Các Ngoại trưởng G7 đều nhất trí rằng, cần phải có một chiến dịch dài hạn để đánh bại các tay súng thánh chiến, và nỗ lực này nên đánh vào khả năng quân sự, nguồn thu nhập tài chính và cách tuyển quân của tổ chức IS, cũng  như ủng hộ các thế lực ôn hòa chống tổ chức khủng bố này ở Iraq và Syria.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra tại New York, Mỹ ngày 25/9, các Ngoại trưởng của G7 và Liên minh châu Âu lên án tình trạng bạo lực do tổ chức IS gây ra tại Iraq và Syria, đồng thời yêu cầu tổ chức này ngay lập tức thả tự do cho các con tin bị bắt giữ.

Tuyên bố nêu rõ: “Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu cực lực lên án bạo lực tàn bạo, lòng thù hận và sự không khoan nhượng của tổ chức IS”.

Tuyên bố đồng thời nhấn mạnh, các hành động của tổ chức IS đã phủ nhận “giá trị con người và Hồi giáo cơ bản”, gieo rắc mối hiểm họa chết người cho Iraq và Syria, rộng hơn là cho Trung Đông và thậm chí vượt ra ngoài khu vực.

Trước đó, để hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế của Chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống tổ chức IS, Chính phủ Hà Lan quyết định điều 6 máy bay chiến đấu, 2 máy bay dự bị cùng 250 phi công và nhân viên phục vụ để hỗ trợ Iraq đẩy lùi mối hiểm họa, đồng thời thông báo sẽ điều khoảng 130 chuyên gia đào tạo quân sự tới Iraq để huấn luyện cho các binh sỹ của nước này.

Trong khi đó, Hội đồng Chính phủ Bỉ đã "bật đèn xanh" cho quân đội nước này tham gia liên minh quốc tế chống tổ chức IS tự xưng sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Mỹ ngày 23/9.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và là đồng minh thân cận của Mỹ đến nay vẫn từ chối tham gia liên minh chống tổ chức IS do Washington phát động, tuy nhiên khẳng định sẽ cung cấp sự hỗ trợ về mặt quân sự và hậu cần cần thiết cho các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các phần tử cực đoan.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết đang thúc giục Quốc hội chấp thuận cho Luân Đôn tham chiến ở Iraq tại phiên họp bất thường ngày 26/9.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Cameron cũng khẳng định, cuộc chiến chống phiến quân IS ở Iraq và Syria cần được lên kế hoạch cẩn thận.

“Hoàn toàn đúng khi chúng ta rút ra những bài học từ quá khứ, đặc biệt là những gì xảy ra ở Iraq một thập kỷ trước, Nhưng chúng ta cũng cần học một bài học đúng đắn nữa, đó chính là sự chuẩn bị cẩn thận. Không nên để bị cuốn vào một cuộc xung đột mà không có một kế hoạch rõ ràng. Chúng ta cần đánh bại hoàn toàn hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan, vốn là gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố để có thể chiến thắng cả trong trận chiến về mặt tư tưởng, chứ không chỉ là phương diện quân sự”, ông Cameron nói.

Rõ ràng, trước mức độ tàn bạo và hung hăng của tay súng Hồi giáo cực đoan, Mỹ đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc “nhổ tận gốc” được tổ chức  khủng bố IS.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống phiến quân IS này là cuộc chiến hết sức cam go, đặt ra nhiều thách thức, "hao người tốn của" và thậm chí có thể kéo dài nhiều năm./.