Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên quan đến sai phạm trong trùng tu, xây dựng tại chùa Khúc Thủy: Chủ tịch xã Cự Khê hứa sẽ... sửa sai!

Hồng Phong (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những sai phạm tại chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) được báo Kinh tế & Đô thị phản ánh trong các số ra ngày 26/10 và 1/11.

Vì sao sự việc xảy ra suốt 7 năm qua mà chính quyền địa phương không có động thái xử lý, ngăn chặn; phóng viên đã trao đổi với ông Đặng Anh Phương – Chủ tịch UBND xã Cự Khê, nơi trực tiếp quản lý di tích.
Những sai phạm trong việc trùng tu, xây dựng xâm hại đến Di tích Quốc gia chùa Khúc Thủy đã diễn ra nhiều năm, ông có nắm được không?

- Chùa Khúc Thủy là ngôi chùa cổ, đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1991. Từ đó đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, theo tôi được biết, có 2 lần xin được kinh phí Nhà nước, một lần 100 triệu đồng (năm 1998) để trùng tu gian Tam Bảo, lần sau 50 triệu đồng (năm 2003) để trùng tu Nhà Tổ. Cả 2 lần trùng tu này rất bài bản. Những lần trùng tu khác tôi không nắm rõ và ở xã hiện không có hồ sơ gốc. Từ khi tôi về làm chủ tịch xã (năm 2016) có tìm lại hồ sơ nhưng cũng chưa tìm được.

Chủ tịch xã Cự Khê Đặng Anh Phương trong chuyến đi kiểm tra thực tế cùng GS Trần Lâm Biền ngày 2/11.     Ảnh: Linh Anh

Từ khi tôi làm chủ tịch xã đến nay, những công trình đang xây dựng thêm tại chùa (gồm nhà tăng, nhà ni và các công trình phụ trợ xung quanh di tích) vốn đã tồn tại từ năm 2013, chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ, giao nhà chùa thuê đơn vị tư vấn, làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ xin cấp phép trùng tu, xây dựng. Ngày 22/11/2016, xã đã có tờ trình kèm theo hồ sơ xin phép của chùa gửi các phòng chuyên môn và lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai. Hiện nay đã có phản hồi, hướng dẫn phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích đất của người dân hiến tặng, công đức từ đất nông nghiệp sang đất xây chùa, sau đó mới xem xét hồ sơ cấp phép được. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải đến sau kỳ họp HĐND xã cuối năm nay mới có kết quả, vì vậy mà chưa có giấy phép nào được cấp cho nhà chùa.

Vậy tại sao khi chưa được cấp phép mà công trình vẫn được xây dựng, đến nay đã gần xong?

- Thực trạng sai phạm hiện nay là hậu quả tồn tại từ thời gian trước, khi tôi chưa làm chủ tịch xã, nên không nắm rõ. Hiện, tôi đang gấp rút làm đúng thủ tục để được cấp phép.

Được biết từ cuối năm 2016, xã đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công 2 dãy nhà tăng phía sau chùa (khi đó mới xong thô tầng 2), nhưng thực tế hiện nay cả 2 tòa nhà đã xây xong thô cả 3 tầng. Ông nói gì về vấn đề này?

- Thời điểm khi phát hiện ra sai phạm (11/2016), xã đã làm rất quyết liệt, phối hợp cùng huyện và các phòng, ban liên quan đình chỉ công trình đang thi công, nhưng nói thật là chưa được hiệu quả. Hơn nữa, tôi quá bận rộn nên cũng không thể quản lý hết được.

Bên cạnh những sai phạm trong việc xây mới 2 tòa nhà tăng và các công trình phụ trợ, việc xử lý những sai phạm trong khuôn viên chùa cổ đã được công nhận Di tích Quốc gia hiện nay tiến hành ra sao?

- Thực hiện Công văn 4141/SVH&TT-QLDT ngày 3/11/2017 về Quản lý và xây dựng tại di tích chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, sáng 5/11, tôi đã trao đổi với nhà chùa, và nhà chùa đã nhất trí thay đổi. Cụ thể, sẽ di chuyển đôi sư tử trước, sơn lại màu của tường và tam quan ở phía trước về đúng nguyên trạng. Về 100 bức tượng phật và tượng Phật lớn trước Tam Bảo, chúng tôi đang nghiên cứu đưa ra khỏi khu vực di tích. Nhưng cũng cần phải thông cảm với nhau rằng, đây là công đức của người dân và phật tử, việc bốc đi hàng trăm pho tượng nói trên thật là khó, nên cần có lộ trình. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, sao cho vừa đảm bảo về mặt quản lý Nhà nước vừa hợp lòng dân, theo đó, tuyên truyền để người dân hiểu và chuyển đi.

Xin cảm ơn ông!

Thực ra, những công trình nhà chùa xây dựng sai phạm đều nằm ngoài diện tích thực ban đầu của di tích, thành ra chùa cũng không báo cáo cụ thể bằng văn bản. Chỉ khi có chỉ đạo của Sở VH&TT Hà Nội, chúng tôi mới cho dừng lại vào cuối năm 2016 để xin cấp phép. Quan điểm của các phòng chuyên môn là do những công trình này nằm ngoài diện tích thực của Di tích Quốc gia nên không đặt nặng vấn đề về cấp phép.

Ông Vũ Thanh Ngọc

Chủ tịch UBND xã Cự Khê giai đoạn 2013 – 2016