Liên tục phát hành tín phiếu, chính sách tiền tệ có đang đảo chiều?

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 6 phiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu

Báo cáo Cập nhật về việc phát hành tín phiếu của Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, tâm điểm đáng chú ý trong thời gian gần đây là việc NHNN quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở. Cơ chế đấu thầu lãi suất được sử dụng và lãi suất trúng thầu ở mức tương đối thấp, trong khoảng từ 0,49 - 0,69% cho kỳ hạn 28 ngày.

"Câu hỏi được đề cập khá nhiều là liệu đây có phải là tín hiệu đầu tiên cho chu kỳ thắt chặt chính sách của NHNN hay là việc phát hành tín phiếu này sẽ kéo dài trong bao lâu? Đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm nay, nghiệp vụ này không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ"- các chuyên gia SSI đánh giá.

Hôm qua (ngày 28/9) là phiên phát hành tín phiếu thứ 6 liên tiếp của NHNN. Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 8/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu là 0,7%, đây là mức cao nhất kể từ đầu đợt phát hành.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút thêm 20.000 tỷ qua tín phiếu phiên 28/9
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút thêm 20.000 tỷ qua tín phiếu phiên 28/9

Như vậy, sau 6 phiên làm việc, NHNN đã hút tổng quy mô đạt gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ đồng, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi và lãi suất trúng thầu cũng có chiều hướng tăng.

Theo đó, trong phiên 21/9 có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,69%/năm; phiên 22/9 có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,5%/năm; phiên 25/9 có 4 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,49%/năm; phiên 26/9 có 9 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%; phiên 27/9 có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%; phiên 28/9 có 8/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 0,7%.

Chứng khoán đảo chiều, vì sao?

Sau 6 phiên đấu thầu, số lượng thành viên tham gia đấu thầu cũng đã cải thiện từ 2/17 thành viên trong phiên đầu tiên lên đến 8/11 thành viên trong phiên ngày hôm nay.

Nhìn chung, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng Trung ương nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Báo cáo của SSI thông tin, thị trường chứng khoán đã phản ứng khá mạnh với thông tin này trong tuần qua. "Dựa trên nhận định NHNN vẫn giữ nguyên định hướng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng tôi cho rằng điều chỉnh mạnh của VN- Index về vùng gần 1.100 điểm là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn mua vào các cổ phiếu có triển vọng phục hồi tích cực từ quý 4/2023 và năm 2024"- báo cáo viết.

 

Thị trường đảo chiều từ phiên 21/9
Thị trường đảo chiều từ phiên 21/9

Bắt đầu từ ngày 21/9, thị trường chứng khoán đã có 4 phiên giảm liên tiếp, sau đó là 1 phiên phục hồi trong nghi ngờ, hôm nay 28/9 tiếp tục là một phiên giảm nhẹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường giảm do nhà đầu tư đang lo sợ NHNN bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán, việc Ngân hàng Nhà nước đang hút một dòng tiền rất lớn có thể hạn chế phần nào đó dòng tiền đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên đây là động thái cần thiết của Ngân hàng Nhà nước để làm chậm lại chênh lệch về tỷ giá, giảm đà tăng của ngoại tệ, điều này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng đây cũng chỉ là hiện tượng tạm thời. Bởi biện pháp hút dòng tiền không thể là giải pháp lâu dài. Vì thế chính sách phát hành tín phiếu của NHNN cũng khó có tác động lâu dài đối với thị trường chứng khoán.