Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Liều vaccine” cho sản xuất trong nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/8, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về tăng cường quản lý xuất, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đây được coi là "liều vaccine" cần thiết để hỗ trợ cho sản xuất trong nước vượt qua khó khăn do tác động dịch Covid-19.

Dây chuyền sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: Quang Minh
Kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước
Tại Chỉ thị số 10, Bộ Công Thương đã nêu rõ quan điểm: Bên cạnh những yếu tố tích cực, việc xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như: Xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón… thời gian qua đã xuất hiện một số dấu hiệu cần quan tâm, theo dõi, đánh giá. Chẳng hạn việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu như xăng dầu, than đá, gạo; một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước như sắt thép, phân bón. Vì vậy, để góp phần ổn định giá cả, thị trường, qua đó hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội ngành hàng và DN kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Đơn cử như mặt hàng đường, Bộ Công Thương yêu cầu các DN nhập khẩu đường chia sẻ với hoạt động của các DN sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu. Về vấn đề này, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) Nguyễn Văn Lộc cho biết, thực tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ đường đang giảm và năng lực sản xuất chế biến của các DN trong nước cũng bị ảnh hưởng nên việc Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10 về hạn chế nhâp khẩu một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng đường là kịp thời, đúng đắn, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), 6 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam lại lập kỷ lục mới đã lên đến hơn 781 tấn, tăng đến gần 100.000 tấn so với tổng số lượng đường nhập khẩu trong cả năm 2020 (cả năm 2020 chỉ nhập khẩu hơn 690.000 tấn đường). Sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thì lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm, giá đường trong nước đã nâng lên và giá mía của nông dân cũng được cải thiện. Vụ mía 2020 - 2021 vừa qua, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân với giá 1 triệu đồng/tấn (tại ruộng), cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019 - 2020 là 150.000 đồng/tấn. Thực tế này mang lại hy vọng phục hồi phát triển ngành đường trong nước những vụ sản xuất tới.

Bình ổn giá, cân đối cung – cầu

Chia sẻ về việc Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA), các DN sản xuất phân bón cần ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VFA Phùng Hà cho rằng, yêu cầu này rất phù hợp với bối cảnh thực tế là từ những tháng cuối năm 2020 cho đến nay, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm ure đã tăng khá cao. Cụ thể: Phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, phân bón kali tăng 31%, cụ thể ở mức từ 435 - 440 USD/tấn, mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay.

Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, VFA đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN sản xuất, kinh doanh phân bón đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.

Cũng theo lý giải của ông Phùng Hà, thực tế là, căn cứ vào công suất, vào khả năng sản xuất, các DN sản xuất phân bón urea, DAP, phân bón chứa lân trong nước đều khẳng định nguồn cung phân bón là không thiếu và DN ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, DN sản xuất phân bón trong nước đặc biệt là các nhà máy sản xuất ure, DAP cần chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, tránh tình trạng thiếu hàng, đẩy giá… Bên cạnh đó, DN sản xuất phân bón cần tăng cường áp dụng giải pháp cải tiến kỹ thuật để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý tốt nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt và phù hợp, phát triển sản phẩm mới.

VFA cũng đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước phải yêu cầu các DN sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. “Từ trước khi có Chỉ thị số 10 của Bộ Công Thương, VFA đã đề xuất Chính phủ xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón. Chính phủ cũng cần yêu cầu các DN sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất để đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế suất như giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu, tính toán cụ thể và minh bạch thuế phòng vệ thương mại sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần “hạ nhiệt” giá phân bón”- ông Phùng Hà nhấn mạnh.

Ưu tiên cho thị trường nội địa

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chỉ thị số 10 của Bộ Công Thương là giải pháp cần thiết để hỗ trợ thị trường nội địa. Chỉ thị này mang ý nghĩa Việt Nam nên quay về thị trường nội địa và hỗ trợ thị trường nội địa đầu tiên, nhất là trong thời điểm này dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Môt số mặt hàng mà Bộ Công Thương cho rằng nước ta đã dồi dào nguồn hàng như đường, gạo nên hạn chế nhập khẩu là đúng. Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng, bởi với chủng loại gạo mà Việt Nam không có thì vẫn nhập khẩu được. Mặt khác, có một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu giá rẻ hơn trong nước, trong khi xuất khẩu với giá cao hơn thì nên cân bằng cả cán cân xuất nhập khẩu để giữ được cả 2 thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, tạo nguồn lợi cho nền kinh tế. “Như vậy, có thể nói Chỉ thị số 10 của Bộ Công Thương là giải pháp đúng đắn nhưng cần phải xem xét nếu những sản phẩm có tính đặc thù khác nhau và với giá cả khác nhau thì vẫn có thể vừa giữ lại tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu” – TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Chỉ thị số 10 của Bộ Công Thương có vai trò quan trọng đối với các DN trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Khi thị trường trong nước có thể tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu) giữ lại thì có thể vừa giúp cho Việt Nam đáp ứng nhu cầu nội địa, vừa tiết kiệm được nguồn ngoại tệ phải trả cho nước ngoài, nhất là không bị tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng bên ngoài làm ảnh hưởng đến cung cầu trong nước. Trong khi đó, về mặt xuất khẩu, thị trường chính của Việt Nam là Mỹ và EU vẫn đang khủng hoảng bởi dịch bệnh. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường này vẫn ở mức khả quan nhưng Việt Nam vẫn nên giữ lại hàng hóa tiêu thụ trong nước để không bị ảnh hưởng các yếu tố dịch bệnh khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Trần Thị Hồng Minh phân tích, đối với các DN trong nước cần phải xem xét nguyên liệu đầu vào, tăng công suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để hợp túi tiền với người tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, hiện nay chi phí sản xuất đang bị đội rất cao trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy, xí nghiệp… để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 sẽ là thử thách không nhỏ đối với các DN. Vì vậy, Việt Nam cần phải vừa giữ cân bằng cán cân xuất nhập khẩu vừa giữ hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng như đẩy mạnh sản xuất ở trong nước để hỗ trợ cho nền kinh tế thời điểm khó khăn này.

Bộ Công Thương nên có khảo sát sâu hơn, bên cạnh Chỉ thị số 10 mang tính tổng quát nên có văn bản hướng dẫn cụ thể cho một số các ngành hàng, sản phẩm được nêu trong chỉ thị để các DN sản xuất ngành hàng, sản phẩm đó dễ dàng, thuận lợi thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu