Trực tiếp Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nguồn: VTV
12h35 ngày 3/5: Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đến sân bay Nội Bài. Lúc 13h, máy bay chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rời Nội Bài, đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: VOV |
Được biết đây là chuyến bay thương mại của Vietnam Airlines với máy bay thân rộng Boeing 787. Gia đình nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có nguyện vọng chuyển linh cữu bằng máy bay hành khách, không phải chuyên cơ. Thành viên trong gia đình mua vé như các hành khách khác.
Ảnh: Phạm Hùng. |
Tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Phạm Hùng. |
11h25 sáng 3/5: Cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu lăn bánh rời khỏi Nhà tang lễ Quốc gia. Linh xa sẽ di chuyển và dừng trước nhà số 5A Hoàng Diệu - nơi nguyên Chủ tịch nước sinh sống trong những năm tháng cuối đời. Sau đó, đoàn xe sẽ di chuyển qua Phủ Chủ tịch nước và tiến về sân bay Nội Bài.
Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đi qua Phủ Chủ tịch. Ảnh: Gia Chính |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đội nghi lễ nâng đưa linh cữu ra cỗ linh xa. |
Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh |
11h05 sáng 3/5: Đại diện gia đình nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng phát biểu cảm ơn, bày tỏ lòng tri ân tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, các đoàn quốc tế đã đến viếng và tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Quy luật muôn đời đưa Ba đi mãi mãi. Gia tài Ba để lại vô cùng quý giá, là trái tim yêu thương và nhân hậu, vị tha. Chúng con tự hào được nhận món quà quý giá đó. Chúng con chào Ba. Ba về với Mẹ, với đồng đội thời khói lửa. Vĩnh biệt Ba!", ông Lê Mạnh Hà xúc động nói.
Kết thúc lễ truy điệu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại diện các tổ chức quốc tế đi quanh linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để tiễn biệt ông lần cuối.
Chuẩn bị lễ di quan để đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra sân bay Nội Bài về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, các sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam chuyển vòng hoa ra cỗ linh xa. Các tiêu binh hạ di ảnh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Lá Quốc kỳ phủ trên linh cữu Đại tướng được gấp lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nâng linh cữu di chuyển tới cỗ linh xa.
Ảnh: TTXVN |
10h45 sáng 3/5: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết trong sáng nay có hơn 1.000 đoàn cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức trong nước, quốc tế đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông; Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và quê hương Đại tướng ở Thừa Thiên Huế. Nhiều nước cũng đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong Hội trường Nhà tang lễ, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hà Nội, các địa phương; cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang dự Lễ truy điệu.
Quá trình công tác của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh... Xem thêm |
Thay mặt ban tổ chức lễ tang, Phó Thủ tướng tuyên bố Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh bắt đầu. Sau đó, tất cả các đại biểu cùng gia quyến đứng nghiêm trang trong tiếng nhạc "Tiến quân ca".
Đọc lời điếu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lại quá trình công tác, kinh qua nhiều chức vụ của Đại tướng Lê Đức Anh, nhấn mạnh đồng chí Lê Đức Anh luôn vượt qua khó khăn, thể hiện phẩm chất cao quý của Bộ đội cụ Hồ, của người chỉ huy mưu trí, dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn. Ảnh: VGP |
Đồng chí Lê Đức Anh là một trong 2 sỹ quan được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, cuộc đời gắn với nhiều chiến trường, vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, dù ở vị trí nào, đồng chí Lê Đức Anh luôn tră trở, tìm tòi, tâm huyến cùng tập thể có nhiều quyết sách quan trọng; tác phong sâu sắc; đưa đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
"Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta, đối với gia quyến của Đồng chí, để lại niềm tiếc thương đối với đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bè quốc tế", Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Lễ truy điệu |
10h40 sáng 3/5: Ít phút trước khi diễn ra Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, linh cữu của Đại tướng được quàn tại vị trí trang trọng trong Hội trường Nhà tang lễ Quốc gia.
Bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Đại tướng Lê Đức Anh... Xem thêm |
Phía trên lễ đài trang trí phông nền đen, treo Quốc kỳ có dải băng của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là dòng chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Linh cữu của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được phủ Quốc kỳ, đặt trang trọng chính giữa lễ đài. Ban thờ đặt chính giữa phòng, lư hương, gối Huân chương và nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đồng chí Đại tướng vì những công lao đóng góp với đất nước.
Đội nghi lễ chuẩn bị đoàn xe tang. Ảnh: Giang Huy |
10h sáng 3/5: Ở sân Nhà tang lễ Quốc gia, đội nghi lễ bắt đầu chuẩn bị đoàn xe tang và cỗ linh xa để đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra sân bay. Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP Hồ Chí Minh.
Để phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, một số tuyến đường tại Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện lưu thông theo giờ... Xem thêm |
Theo ghi nhận, các lực lượng Công an TP Hà Nội gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông cùng công an quận, phường sở tại, lực lượng dân phòng... đều đã ứng trực làm nhiệm vụ tại các chốt xung quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia. Tại một số tuyến đường dẫn vào Nhà tang lễ, các đơn vị chức năng đã dựng hàng rào bảo đảm an ninh trật tự nghiêm ngặt.
"Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh, Trung đoàn Cảnh sát cơ động đã bố trí lực lượng ở các địa bàn quận, huyện. Cụ thể, tại địa bàn nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Trung đoàn phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng; Công an quận Hoàn Kiếm; Hoàng Diệu phối với Công an quận Ba Đình; qua cầu Nhật Tân phối hợp với Công an quận Tây Hồ; Công an huyện Đông Anh, Công an huyện Sóc Sơn và các lực lượng nghiệp vụ khác", Thượng tá Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội cho biết.
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Giang Huy. |
7h sáng 3/5: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu mở đầu lễ viếng, ôn lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trên nhiều cương vị khác nhau.
"Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta", Phó Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu đồng chí Lê Đức Anh. Ảnh: TTXVN. |
Sau lời phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn bước chậm và dàn thành các hàng ngang đứng cúi đầu mặc niệm một phút trước linh cữu. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu.
Tiếp đó, Đoàn Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu Đoàn Chủ tịch nước vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh |
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, do Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Ảnh: TTXVN |
Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: TTXVN |
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi sổ tang |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải xúc động viết vào sổ tang: "Đảng bộ, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; một người cộng sản luôn khiêm tốn, giản dị; một vị tướng, một nhà quân sự gan dạ, tài ba, luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; một nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và công tác, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị quan trọng trong nhiều thời kỳ cách mạng của dân tộc, từ giai đoạn tiền khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau thống nhất; song, dù trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ mãi mãi ghi nhớ, biết ơn và trân trọng những công lao, đóng góp của đồng chí. Chúng tôi nguyện luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xin thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh. Xin gửi tới toàn thể gia quyến lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất".
Cũng trong sáng nay, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: VOV. |
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang |
Xúc động ghi trong sổ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh viết: "Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TP Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị Tướng tài ba quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh.
Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…; Chúng tôi xin nguyện tiếp bước con đường cách mạng của đồng chí, chung sức, đồng lòng, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo để bảo vệ, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp xứng đáng và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...".
Trung tá Nguyễn Đình Bật chia sẻ cảm xúc tại lễ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Huy Chương. |
Có mặt tại lễ tang, Trung tá Nguyễn Đình Bật - người có 9 năm (1980 - 1989) làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia xúc động cho biết: "Tôi đã từng có vài lần được làm việc cùng Đại tướng Lê Đức Anh khi ông thị sát Mặt trận 479. Đại tướng là người sâu sát, tỉ mỉ, quyết đoán".
Có cùng cảm xúc, Đại tá Đinh Công Ty - nguyên Chính ủy Cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), bộc bạch: "Đại tướng là người có công lớn với Đảng với dân. Đặc biệt ông là người có đóng góp to lớn cho nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng tài. Ông là người sâu sát, giản dị".
Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
Cùng thời gian, tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Tại quê nhà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), bà Lê Thị Xoan - em gái Đại tướng cùng gia đình, người thân và chính quyền địa phương tổ chức tang lễ.
Trong căn nhà ở quê hương, nhiều người đến viếng đã xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh được treo trang trọng. Đó là những kỷ niệm đời thường bên người đồng đội, hay những buổi trò chuyện với các vị nguyên thủ, bao giờ khuôn mặt ông cũng nở nụ cười tươi với người đối diện.
Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại quê nhà. Ảnh: Quang Thành |
Bà Xoan chia sẻ: "Mỗi lần về quê, anh tôi không chỉ vui vầy trong gia đình, họ tộc mà còn dành thời gian thăm bà con hàng xóm. Mọi người rất quý anh và hôm nay nhiều người đã đến thắp nén hương tưởng nhớ anh".
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Sáng sớm 3/5, các chiến sĩ tiêu binh Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ treo băng tang lên lá quốc kỳ tại quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nghi lễ đầu tiên bắt đầu 2 ngày quốc tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Buổi lễ được diễn ra trang trọng trong cơn mưa nặng hạt. Khác với những ngày thường, trong ngày 3/5 sẽ không có nghi lễ hạ cờ vào buổi tối, lá quốc kỳ có dải băng tang sẽ được treo trong suốt 2 ngày (3 - 4/5) để tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Công tác chuẩn bị trước khi diễn ra lễ viếng chính thức tại Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: VOV. |
Tại TP Hồ Chí Minh, Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh cũng bắt đầu từ 7h sáng 3/5/2019. Ảnh: Huy Chương. |
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 01/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5/1938. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX. |