Những cơ hội và thách thức
Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, hơn 5,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 23% về giá trị so với năm 2024. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chào hàng và ký kết các hợp đồng bán gạo cho năm nay. Thị trường gạo được dự báo sẽ sôi động với nhiều kỷ lục mới về sản lượng, thương mại và tiêu thụ. Điều này cũng đặt ra những cơ hội và cả thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm vừa qua đã tăng ấn tượng từ 487 USD/ tấn lên 625 USD/ tấn, tăng tới trên 28%. Kim ngạch xuất khẩu nhờ thế cũng tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, năm 2025 xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó.
Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Dương Đức Quang cho biết: "Nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó Ấn Độ cũng đã mở lại cung hàng. Có thể, vì những lý do này, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống dưới 600 USD/tấn".
Các doanh nghiệp xuất khẩu cùng chung quan điểm với giới chuyên gia, giá gạo có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có khi chất lượng được chú trọng để đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nhìn tín hiệu thị trường sẽ giúp điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Ngành gạo trong năm tới tiếp tục tăng cường các giống lúa chất lượng cao, ứng phó với hạn, mặn và biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn cung dồi dào hơn, giá cả cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo thế giới, buộc các doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu.
Chú trọng xây dựng thương hiệu, đa dạng thị trường
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích: hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm.
Xây dựng thương hiệu gạo cần xây dựng tổng thể sức mạnh cạnh tranh của ngành hàng ở phạm vi quốc tế. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chú trọng đến phân khúc gạo thơm, dẻo. Tuy nhiên, nhiều thị trường tỉ dân như Trung Đông lại chuộng gạo rời, hạt dài. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cũng cần hướng đến tiêu chí đa dạng thị trường để phát triển bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương (Trần Thanh Hải)
Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…
Ở giai đoạn này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định, với sản phẩm gạo thì thương hiệu gạo quốc gia sẽ giúp định vị vị thế sản phẩm trên trường quốc tế. Đó cũng là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của Việt Nam hiệu quả và bền vững.
Xây dựng thương hiệu gạo cần đồng bộ gồm: sản phẩm tốt, doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn và có hệ sinh thái để gắn kết thành thương hiệu lớn. Do đó, cần có sự định hướng phát triển lâu dài và cập nhật phù hợp với xu thế mới nhất là trong các chương trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.