Linh thiêng Cột cờ Hà Nội trên đất Mũi Cà Mau

HOÀNG QUÂN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm đi vào hoạt động, công trình Cột cờ Hà Nội do Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô trao tặng cho Cà Mau đã phát huy những giá trị văn hóa chính trị lịch sử to lớn. Trở thành biểu tượng trường tồn của giang sơn gấm vóc liền một dải từ Bắc chí Nam.

Dấu ấn Tổ Quốc ở phương Nam

“…Từ độ mang gươm đi mở cõi

 Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”

Người Việt, hẳn ai cũng biết hai câu thơ trong bài "Nhớ Bắc" của thi tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ. Câu thơ trên sẽ càng xúc động hơn, tự hào hơn khi ta đứng tại Cột cờ Lũng Cú, Cột cờ Hà Nội, hay Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi – biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện  tình cảm  của người dân Thủ đô với Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân 

Còn nhớ trong buổi lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau ngày 10/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xúc động nói: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước, đậm chất bản địa.

Những lễ hội như lễ hội nghinh Ông, lễ vía bà Thiên hậu, lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay của người Khmer. Tất cả toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer. Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện hào hùng về những con người Đất Mũi, đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích.

Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa nhiều giai thoại, mẩu chuyện hào hùng về những con người đất Mũi, đã làm nên chiến công oanh liệt với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích như Bến Vàm Lũng, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích Hòn đá bạc- Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12; Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển... Mỗi di tích đã chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.

Là nơi nhận chi viện chỉ đạo-vũ khí xa nhất của Trung ương và đồng bào Miền Bắc đối với đồng bào Miền Nam trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Mũi Cà Mau còn là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh hôm nay, đánh dấu Tổ Quốc Việt Nam liền dãy không thể tách rời. Bác Tư-một cựu chiến binh hơn 70 tuổi ở ấp Cồn Mũi xã Đất Mũi tự hào nói. 

Còn ông Lanh, một cựu chiến binh nguyên từng tham gia bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 đã bật khóc khi đứng trên Cột Cờ. Mắt nhìn về phía biển, ông nói: “đời tớ, được đứng đây có chết cũng sướng. Thương mấy thằng cùng tiểu đội đã nằm xuống ở Vị Xuyên, không được ngắm Tổ Quốc hùng vĩ thế này”.

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi như một địa chỉ đỏ tự hào của người Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân 

“Địa chỉ đỏ” của Cà Mau.

Nếu như Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau). Tại cực Nam, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau như một cột mốc lịch sử nơi, đánh dấu mảnh đất thiêng liêng mà người dân Việt nào cũng muốn ghé qua dù chỉ một lần.

Nằm trong khuôn viên Khu Du lịch Quốc Gia Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau cùng với các công trình mốc tọa độ Quốc Gia GPS0001, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, công trình điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một quần thể lịch sử, tâm linh của người Việt nơi cuối trời Nam. Nơi đây luôn được Cà Mau chọn làm nơi diễn ra những sự kiện kinh tế chính trị lớn của tỉnh. Hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn viên mới, các hội thi…của tổ chức đoàn các cấp đều diễn ra liên tục tại đây.

“Nếu không có dịch Covid-19, thì trong “Ngày Tết Độc lập” 2/9/2021 vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tổ chức kết nối cầu truyền hình Lễ Thượng cờ – Thống nhất non sông, giữa: Cột cờ Hà Nội đặt tại Mũi Cà Mau (nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau) với các điểm cầu Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), Cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị)”, ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp 23/5/2021, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau trở hành điểm bỏ phiếu thuộc đơn vị bầu cử số 8, tổ bầu cử số 12 của xã Đất Mũi, là điểm bầu cử trên đất liền xa nhất của Việt Nam. Trong ngày hội toàn dân đó, nhiều cử tri của ấp Mũi xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển đã không kiềm được xúc động, khi lần đầu tiên tham dự một ngày bầu cử đặc biệt, mà điểm bỏ phiếu được đặt dưới chân Cột cờ Tổ quốc - Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Nơi lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng tung bay nơi “mũi tàu” của Tổ Quốc, ngạo nghễ hướng về biển Đông. Ngư dân sau những chuyến hải trình, thấy thấp thoáng cột cờ sừng sững từ xa, lòng xao xuyến nhận ra mình đã trở về tới đất mẹ thân yêu. 

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi là minh chứng về chủ quyền tổ quốc thiêng liêng liền một dải, không thể tách rời. Ảnh: Hoàng Quân 

Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội trị giá 150 tỷ đồng là món quà quí giá do Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội trao tặng Cà Mau. Được xây dựng tháng 1/2016, khánh thành ngày 10/12/2019 tại xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, xây kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.

Tổng diện tích khuôn viên khoảng 1,6ha, đường trục chính dẫn vào Cột cờ dài khoảng 240m, rộng 14m. Cột cờ có hình dạng đế khối vuông (45m x 45m) diện tích 2.025m², chiều cao tính từ cos 0.000 của công trình đến đỉnh lầu bát giác là 45m. Phần bên trong khối đế Cột cờ là không gian đa năng và phần thân Cột cờ bố trí thang bộ để khách tham quan lên lầu bát giác. Trên lầu bát giác có 8 cửa sổ làm đài quan sát.

Công trình có công năng sử dụng đa năng, có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài phục vụ khách tham quan du lịch, có khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau còn là bảo tàng thiên nhiên của Đất Mũi.