Linh thiêng lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư ở làng biển

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư là hoạt động mang nét văn hóa đặc sắc của cư dân miền biển, cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa biển bội thu.

Ngày 1/2 (tức 11 tháng Giêng Âm lịch), ngư dân làng chài xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nô nức tổ chức lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư.

Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư ở xã Bình Thạnh.
Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư ở xã Bình Thạnh.

Từ 7 giờ sáng, tại lăng thờ thần Nam Hải - vạn chài Hải Ninh (xã Bình Thạnh) đã diễn ra các nghi lễ, nghinh, rước thần. Lăng thờ thần Nam Hải ở đây được xây dựng từ năm 1813, đến năm 1995 được tu sửa. Từ đây, các hoạt động thờ cúng cá Ông (cá Voi), lễ hội cầu ngư, hát bả trạo được khôi phục và duy trì cho đến ngày nay.

Các bô lão thực hiện nghi thức ở lăng vạn Hải Ninh.
Các bô lão thực hiện nghi thức ở lăng vạn Hải Ninh.

Lăng vạn Hải Ninh hiện còn lưu giữ 15 hài cốt cá Ông và 3 ngôi mộ của cá Ông, được cư dân gọi là thần Nam Hải. Truyền thuyết kể rằng, thuyền gặp gió bão ngoài biển thường có cá Ông đến cứu. Cá Ông áp lưng vào mạn thuyền, làm cho thuyền không bị sóng lật đổ, đưa thuyền đến nơi an toàn.

Trong tâm thức của ngư dân, cá Ông là thần Nam Hải luôn nâng đỡ, bảo vệ họ trước sóng to gió lớn. Sự tôn kính của ngư dân miền biển đối với thần Nam Hải không chỉ nằm trong tiềm thức mà còn trong văn hóa, tín ngưỡng.

Đánh chiêng tại lăng vạn Hải Ninh.
Đánh chiêng tại lăng vạn Hải Ninh.

Hoạt động tế thần Nam Hải do Ban lễ cầu ngư gồm các vị chánh bái, vị xướng, vị đọc văn tế, các vị đánh chiêng trống, đội nhạc, đội thuyền hát bả trạo thực hiện.

Các bô lão đại diện cho cộng đồng ngư dân mặc áo dài khăn đóng khấn cầu xin mở cửa biển. Ban lễ thực hiện các nghi lễ cúng trong lăng vạn, dâng hương, cầu an.

Lễ nghinh thần Nam Hải từ cửa biển qua đến cảng cá Sa Cần.
Lễ nghinh thần Nam Hải từ cửa biển qua đến cảng cá Sa Cần.

Sau đó, đội thuyền hát bả trạo và đoàn nghi lễ sẽ nghinh thần, rước thần Nam Hải. Hành trình nghinh thần đi từ lăng dọc bờ biển Sa Cần đến điểm tổ chức lễ cầu ngư tại Cảng cá Sa Cần, cuối cùng rước lên thuyền của ngư dân để ra khơi đầu năm.

Lễ cầu ngư và nghinh thần Nam Hải trên thuyền ra khơi.
Lễ cầu ngư và nghinh thần Nam Hải trên thuyền ra khơi.

Theo nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình (xã Bình Thạnh), một trong những nét đặc sắc của lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư chính là hát bả trạo - hình thức diễn xướng dân gian xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân ven biển. 

Đội hình bả trạo gồm 18 người trong đó có 3 người đóng vai trò chỉ huy là các ông tổng mũi, tổng thương và tổng lái, còn lại các con trạo (tay chèo), sắp xếp như một chiếc thuyền rồng.

Hát bả trạo tại lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư.
Hát bả trạo tại lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư.

“Hát bả trạo tại làng biển xã Bình Thạnh có tên là chèo bả trạo Biển Hát, nói về hành trình vượt sóng ra khơi, vẫy vùng sông nước biển trời mênh mông. Trong đội bả trạo thì tổng mũi có vai trò hướng dẫn cho thuyền ra khơi, coi biển, canh sóng gió; còn tổng thương có nhiệm vụ tát nước, lo cơm áo gạo tiền cho thuyền; tổng lái là người cầm lái đưa thuyền ra khơi” - nghệ nhân Bình nói.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Bường (xã Bình Thạnh), thường ngư dân làng chài sẽ ra khơi sau ngày 15 Âm lịch tháng Giêng, khi đã tổ chức lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư.

Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư đầu năm là dịp để ngư dân gửi gắm niềm tin và hy vọng mưa thuận gió hòa, khai thác được nhiều hải sản.
Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư đầu năm là dịp để ngư dân gửi gắm niềm tin và hy vọng mưa thuận gió hòa, khai thác được nhiều hải sản.

“Lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư đầu năm có ý nghĩa tâm linh và được truyền giữ qua nhiều thế hệ, là văn hóa truyền thống của ngư dân ven biển, được tổ chức hằng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang” - ông Bường chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ, dọc bờ biển Quảng Ngãi, có khoảng 26 lăng vạn với hàng trăm năm tuổi. Người xưa tương truyền, nơi nào có lăng vạn thì nơi ấy là những vùng đất có duyên lành, được cá Ông lụy bờ, nghỉ ngơi. Các lăng, miếu thờ thần Nam Hải luôn rộng cửa để người dân lui tới thắp hương và khấn nguyện.

Trong tiềm thức của mỗi ngư dân, biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng cùng những phong tục tập quán. Trong đó, nét văn hóa tiêu biểu là tục thờ cá Ông hay còn gọi là tế thần Nam Hải.

Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023 này, nhiều địa phương ven biển ở Quảng Ngãi nô nức tổ chức lễ tế thần Nam Hải tại các lăng vạn, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ ra quân khai thác hải sản đầu năm ở xã Bình Chánh.
Lễ ra quân khai thác hải sản đầu năm ở xã Bình Chánh.

Trước xã Bình Thạnh, ngày hôm qua (31/1, tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), ngư dân làng chài các xã Bình Châu, Bình Chánh (huyện Bình Sơn) cũng đã tổ chức lễ tế thần Nam Hải và lễ cầu ngư, ra quân khai thác hải sản đầu năm để cầu mong quốc thái dân an, trời yên biển lặng, mùa màng bội thu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần