Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Linh thiêng lễ thức dân gian lưu truyền trăm năm ở Lý Sơn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ thức dân gian được bà con các tộc họ trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lưu truyền hàng trăm năm nay.

Ngày 7/3, tại nghĩa tự An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Ban khánh tiết đình làng An Hải tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại đình làng An Hải.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại đình làng An Hải.

Đây là lễ thức dân gian, được bà con các tộc họ trên đảo Lý Sơn lưu truyền từ hàng trăm năm trước, nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc hùng binh Bắc Hải năm xưa có công trong việc cắm mốc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính”, cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Lễ thức này được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức thường xuyên vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm.

Nghi thức rước thuyền tế ra biển
Nghi thức rước thuyền tế ra biển

Hàng trăm năm trước, những người con ưu tú của quê hương Lý Sơn năm xưa, tuân mệnh vua vượt biển ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Nhiều người ra đi không thể trở về, thân xác họ đã hòa mình vào biển cả mênh mông.

“Dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, làng An Hải tổ chức Lễ khao lề để tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân, cầu mong cho ngư dân làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được bình an, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo”- ông Bùi Văn Cảnh- Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Hải chia sẻ.

Thả thuyền tế ra biển - một nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Thả thuyền tế ra biển - một nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa tri ân, vừa để tưởng nhớ, trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn. Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi thức thổi ốc u trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Nghi thức thổi ốc u trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Ông Trương Văn Sửu- Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin huyện Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo trong công tác bảo vệ, giới thiệu cho du khách, bạn bè gần xa những di sản văn hoá có ý nghĩa truyền thống trên đảo Lý Sơn. Huyện cũng thường xuyên trùng tu, sửa chữa các hạng mục, phục vụ cho việc tổ chức các lễ nghi tại hai làng An Vĩnh và An Hải”- ông Sửu nói.

Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có ý nghĩa tâm linh đặc biệt với người dân huyện đảo, nhất là ngư dân.

“Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do cha ông từ xưa truyền lại, tiếp sức để con cháu vươn khơi bám biển. Lễ này có ý nghĩa rất quan trọng, nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân”- ông Đinh Văn Tiến (thôn đông An Hải) cho hay.