Đỉnh điểm của cuộc “hậu ly hôn” đã dẫn đến việc “tố nhau” ra cơ quan chức năng vì những lùm xùm liên quan đến chuyển nhượng cổ phần và triển khai dự án tại 2 quận Cầu Giấy và Tây Hồ, Hà Nội.Theo đó, do có sự quen biết từ trước, ông Nguyễn Đắc Điềm mời ông Nguyễn Duy Kiên (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) chung vốn để phát triển dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, do Công ty Cổ phần Đầu tư LILAHA (LILAHA) làm chủ đầu tư và ông Nguyễn Đắc Điềm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, trụ sở của Công ty tại số 130 phố Tôn Đức Thắng, phường Qụốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Hình thức hợp tác đầu tư là mua chuyển nhượng cổ phần của cá nhân ông Điềm và nhóm cổ đông cũ gồm ông Nguyễn Đắc Hưng, bà Nguyễn Thị Đắc Ngân (đều các con của ông Điềm).
Dù bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng mua lại cổ phần của ông Nguyễn Đắc Điềm tại LILAHA, nhưng việc tiếp quản doanh nghiệp của ban lãnh đạo mới diễn ra không hề suôn sẻ. |
Qua lời giới thiệu, Công ty LILAHA hiện là chủ đầu tư Dự án “Tổ hợp công trình Văn phòng, khách sạn, Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở” tại phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy” có quy mô diện tích 8.600m2 đất đã giải phóng mặt bằng xong và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương tại văn bản số 7108/UBND-KH&ĐT ngày 10/9/2010 và văn bản gia hạn số 1667/UBND-QHXDGT ngày 10/3/2014 và đang xin phê duyệt 1/2.000. Vì quen biết lâu năm và được biết ông Điềm đang nắm giữ 60% cổ phần của Công ty và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT - người đại diện pháp luật, nên ông Nguyễn Duy Kiên đã tin tưởng và mời ông Phạm Ngọc Quốc Cường (ngụ tại Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng tham gia đầu tư.
Vì vậy, ngày 11/10/2017 các bên đã tiến hành ký kết Hợp đồng nguyên tắc thống nhất và cam kết cùng nhau hợp tác, góp vốn, mua bán cổ phần để cùng trở thành cổ đông của Công ty LILAHA, cùng đầu tư kinh doanh, phát triển Công ty LILAHA và triển khai dự án, các kế hoạch của công ty đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật mang lại lợi nhuận tối đa cho Công ty và các cổ đông.
Theo thỏa thuận, ông Nguyền Đắc Điềm đại diện nhóm cổ đông cũ chuyển nhượng 8.232.000 cổ phần phổ thông của Công ty LILAHA chiếm 49% tổng số vốn điều lệ cho diện tích đất thực hiện dự án 8.600m2: với giá chuyển nhượng là trên 176 tỷ đồng.
Các bên thống nhất, Công ty LILAHA sẽ ký hợp đồng ủy thác quản lý cổ đông trên Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), và ngay sau khi hoàn tất chuyển nhượng cổ phần bên mua sẽ chịu trách nhiệm xây dựng phương án kinh doanh, phương án kế hoạch thực hiện dự án của Công ty LILAHA và tổ chức triển khai thực hiện Dự án.
Sau khi ký các Biên bản ghi nhớ để chốt lại các vấn đề đã thỏa thuận tại Hợp đồng nguyên tắc số 1102/HĐNT - LILAHA naày 11/10/2017, hai bên cũng thống nhất mời một thành viên HĐQT trung gian. Các văn bản tổ chức họp HĐCĐ, HĐQT và bầu các thành viên HĐQT, các chức danh quản lý, văn bản ủy quyền đều có hiệu lực (tuy nhiên vẫn chưa thay đổi thủ tục tại Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội cho đến khi thực hiện thanh toán xong 100 tỷ - tiền chuyển nhượng cổ phần).
Mọi chuyện sau đó diễn ra hết sức suôn sẻ, cho đến khi quá trình hợp tác giữa hai bên không đạt được hiệu quả như mong muốn thì mối quan hệ nồng ấm một thời lập tức tan rã.
“Mặc dù đã có Quyết định ủy quyền chính thức cho Tổng Giám đốc được toàn quyền nhân danh người đại diện pháp luật điều hành mọi hoại động của Công ty, song trong quá trình điều hành bị lãnh đạo của LILAHA thường xuyên gây khó khăn, cản trở mọi quyết định của Tổng Giám đốc và duyệt lại các quyết định của Tổng Giám đốc; không cung cấp hết toàn bộ các tài liệu quản lý, hoạt động của Công ty....” - ông Nguyễn Duy Kiên nói.
Tới ngày 20/11/2017, khi bên mua đã hoàn tất thủ tục thanh toán nốt 100 tỷ đồng và tính tổng số tiền đã thanh toán là trên 176 tỷ đồng cho 8.232.000 cổ phần tương đương 49% cho ông Nguyễn Đắc Điềm, ông Nguyễn Đắc Hưng, bà Nguyễn Thị Đắc Ngân, tuy nhiên tới lúc này công tác điều hành vẫn thường xuyên bị gây khó khăn và cản trở buộc ông Phạm Ngọc Quốc Cường phải chuyển nơi làm việc khỏi trụ sở số 130 Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội - Đây là nhà riêng của ông Nguyễn Đắc Điềm và yêu cầu tìm địa chỉ khác để thuê làm văn phòng.
Kể từ đây, mối quan hệ “đồng sàng, dị mộng” phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu khiện mới thực sự bắt đầu. Nhận thấy hợp tác làm chung không thuận lợi, lúc này cá nhân ông Nguyễn Đắc Điềm lại đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng số cổ phần còn lại. Do quan ngại trong việc làm chung nên ông Kiên và ông Cường thống nhất chuyển nhượng lại cổ phần cho ông Điềm. Nhưng sau đó ông Điềm đã chủ động đề xuất bán hết số cổ phần còn lại cho ông Phạm Ngọc Quốc Cường và cam kết có trách nhiệm thu xếp để bà Lưu Hoàng Lan - một cổ đông khác của LILAHA, chuyển 5% cổ phần cá nhân cho ông Cường để đảm bảo bên mua sở hữu 100% cổ phần.
Đến ngày 12/2/2018, ông Nguyễn Đắc Điềm đã ký giấy thỏa thuận và cam kết chuyển 51% cổ phần còn lại của Công ty với giá 339 tỷ đồng (trong đó 46% cổ phần là của cá nhân ông Điềm và 5% là cổ phần của bà Lưu Hoàng Lan).
Sau khi ông Phạm Ngọc Quốc Cường thanh toán đủ số tiền còn lại của 46% cổ phần (gần 306 tỷ đồng) và đặt cọc hơn 13 tỷ đồng cho 5% cổ phần của bà Lưu Hoàng Lan, nhưng lúc này, ông Điềm đã lấy lý do mệt xin về trước trong khi bên mua và luật sư đang làm việc và kiểm tra hồ sơ, tài liệu. Sau đó, xuất hiện một số đối tượng đã có hành vi ngăn chặn không cho Bên mua mang tài liệu ra khỏi văn phòng. Và việc bàn giao toàn bộ hồ sơ, con dấu giữa các bên đã không được thực hiện như cam kết.
Tuy nhiên, kể từ ngày 27/3/2018 với cương vị người đại diện theo pháp luật, ông Quốc Cường nhiều lần gửi văn bản yêu cầu ông Nguyễn Đắc Điềm - nguyên người đai diện pháp luật cũ bàn giao hồ sơ, tài liệu của Công ty theo quy định (có các văn bản yêu cầu kèm theo). Nhưng đến nay, các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận chung.
Ông Nguyễn Duy Kiên và ông Phạm Ngọc Quốc Cường còn nêu ra hàng loạt bất thường tại LILAHA trong thời gian Nguyễn Đắc Điềm làm Chủ tịch HĐQT liên quan đến các bộ hồ sơ đất của các hộ có đất nằm trên Dự án “Tổ hợp công trình Văn phòng, khách sạn, Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở” tại phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy”. Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy, khó khăn cho LILAHA trong quá trình thực hiện dự án.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân để liên hệ với ông Nguyễn Đắc Điềm, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ doanh nhân này.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn, trong đó có dự án Hưng Ngân Garden, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM.
Dù được chủ đầu tư “tô vẽ” là một trong những dự án có vị trí rất thuận lợi, nằm trong quần thể đô thị phát triển năng động, với nhiều khu văn phòng, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ hạ tầng đa dạng... nhưng dự án này vướng nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ và chất lượng công trình.
Để triển khai dự án này, năm 2011, bà Nguyễn Thị Đắc Ngân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà Hưng (con gái doanh nhân Nguyễn Đắc Điềm) đã ký khoản vay lên tới gần 500 tỷ đồng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong đó tài sản đem đi thế chấp bao gồm nhiều bất động sản của ông Nguyễn Đắc Điềm, cùng con trai là Nguyễn Đắc Hưng và toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay (bao gồm QSDĐ và tài sản gắn liền với đất) của dự án nêu trong hợp đồng tín dụng.
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.