Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Livestream bán hàng và nỗi hoang mang trên thị trường

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Livestream bán hàng tăng trưởng nóng kéo theo hàng loạt hệ lụy về thất thu thuế, trà trộn hàng giả, hàng nhái phá trá thị trường, lũng đoạn nền kinh tế... Do đó, cấp thiết phải có biện pháp đưa hoạt động kinh doanh này vào khuôn khổ.

Dấu hỏi về chất lượng hàng hóa, nghĩa vụ thuế?

Thời gian gần đây, livestream bán hàng lên ngôi, diễn ra rầm rộ suốt ngày đêm trên các nền tảng TikTok, Facebook, YouTube… Ngay cả các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada cũng đẩy mạnh hoạt động này để giành giật thị phần. Có nhiều phiên livestream doanh số lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, giá bán rẻ hơn nhiều với các đại lý, gây hoang mang dư luận. Cùng với đó, chất lượng hàng hóa thật, giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Có nhiều shop chuyên kinh doanh trên mạng xã hội khi livestream bán hàng luôn quảng cáo là hàng chất lượng, với giá thấp nhưng thực tế là sản phẩm giả, nhái, hàng kém chất lượng.

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ việc các đối tượng lợi dụng livestream bán hàng để tiêu thụ hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ việc các đối tượng lợi dụng livestream bán hàng để tiêu thụ hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ việc các đối tượng lợi dụng livestream bán hàng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điển hình là vụ 2 đối tượng bán mũ bảo hiểm Nón Sơn giả qua hình thức livestream trên TikTok đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) bắt tạm giam để điều tra về hành vi “buôn bán hàng giả”. Theo điều tra ban đầu, 2 đối tượng trên đã mua sỉ Nón Sơn giả trên mạng xã hội với giá 40.000 đồng/chiếc, sau đó livestream trên TikTok bán với giá 100.000 - 130.000 đồng/chiếc.

Cũng qua theo dõi trên TikTok Shop và các buổi livestream, lực lượng quản lý thị trường và Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và phát hiện một lượng lớn hàng hóa. Cụ thể, khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động và các loại mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh nhìn nhận, việc bán hàng hoặc quảng cáo qua những người có ảnh hưởng lớn vẫn còn nhiều bất cập, có cá nhân chỉ giới thiệu sản phẩm 3s không đảm bảo thông tin đưa đến người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều vấn đề cũng chưa có quy định cụ thể  như: cần cung cấp thông tin gì về sản phẩm cho người tiêu dùng hay làm sao để Nhà nước nắm được doanh thu thực tế của các phiên live.
Bên cạnh đó, việc livestream các mặt hàng không phép như sản phẩm giảm cân chưa được lưu hành, tiền ảo... và bằng cấp của người livestream trong một số lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tài chính, luật, giáo dục cũng còn bỏ ngỏ. 

Những bất cập của hình thức bán hàng livestream cũng làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian qua. Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin những phiên livestream trăm tỷ, cũng như việc quản lý chất lượng của những sản phẩm được bán qua livestream. Ngoài ra, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa còn lo ngại, giá bán của các sản phẩm qua thương mại điện tử thấp hơn nhiều giá bán buôn cho các đại lý, gây bất ổn thị trường.

Không chỉ lỏng lẻo về kiểm soát chất lượng hàng hóa, việc quản lý thuế đối với hoạt động livestream bán hàng còn nhiều bất cập, ngân sách Nhà nước đang thất thu số tiền lớn, vì hoạt động này biến hóa khôn lường. Trên thực tế, doanh thu của các phiên livestream có thể không đạt được như con số họ công bố do vẫn tồn tại những đơn hàng ảo nhằm tạo hiệu ứng mua hàng, nhưng cũng không lại trừ doanh số có thể cao hơn. Vì vậy, khó để thống kê được chính xác doanh số của các phiên livestream, con số doanh thu thực của từng phiên livestream thường chỉ có người bán mới biết chính xác. Thậm chí, nhiều chủ kênh “né” thuế bằng cách xóa luôn lịch sử livestream sau khi kết thúc, khiến cơ quan thuế không có căn cứ để xác định doanh thu.

Đưa vào khuôn khổ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và bán hàng livestream biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật phải tiếp tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. “Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lương quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra.

Cấp thiết đưa hoạt động bán hàng livestream vào khuôn khổ.
Cấp thiết đưa hoạt động bán hàng livestream vào khuôn khổ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là việc tìm những địa điểm mà những đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, trao đổi, chia sẻ các dữ liệu thông tin trong quản lý của mình đối với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý những sai phạm, đặc biệt chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng livestream là cần thiết để tránh các vi phạm pháp luật. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, vị chuyên gia này cho biết, các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao, JD.com đã triển khai các quy định về nộp thuế và hậu mãi rất bài bản, giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động livestream bán hàng. Các vi phạm như trốn thuế hay bán hàng giả đều bị xử phạt nghiêm khắc.

Để quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm trong các phiên livestream bán hàng tại Việt Nam, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn đòi hỏi sự phối hợp của các nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng, và doanh nghiệp. Các quy định về quản lý hoạt động livestream cần được hoàn thiện, đồng thời các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm phải được tăng cường. Chính quyền địa phương cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc xử lý các xung đột lợi ích và giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn.