Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tuần qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại một hộ chăn nuôi ở thôn Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa). Hai con lợn nái và 1 con lợn thương phẩm với tổng trọng lượng 367kg được phát hiện ốm chết, dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, số lợn trên đã được tiêu hủy. Hộ chăn nuôi còn lại 1 con lợn nái và 8 con lợn mới sinh nhưng có kết quả âm tính với virus tả lợn châu Phi và đang được giám sát, theo dõi.
Ngay khi dịch bùng phát trở lại, để ngăn chặn nguy cơ lây lan diện rộng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức khoanh vùng ổ dịch. Đồng thời, lập 4 chốt kiểm dịch, ứng trực 24/24h để kiểm soát việc lưu thông lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ra, vào vùng dịch. Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, dù số lượng lợn bị dịch trở lại ít, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn tiềm ẩn.
Nguyên nhân là bởi việc vận chuyển, lưu thông lợn, thịt lợn hiện rất lớn. Nhu cầu thị trường về thịt lợn cao nên nhiều trường hợp người dân tái đàn nhưng không thực hiện nghiêm việc khai báo. Tình trạng sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn vẫn còn phổ biến…
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, nhu cầu về thịt lợn được nhận định vẫn sẽ rất lớn. Chính vì vậy, việc kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở.
Kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Đồng thời duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông. Phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn ốm, mắc bệnh.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tích cực vận động, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh học, nhằm bổ sung nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng của Thủ đô trong thời gian dịch Covid-19 chưa được khống chế.