“Lộ diện” nhiều cái tên mới trong​ mua bán, sáp nhập ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2015 đang diễn ra. Ngoài những cái tên cũ,...

Kinhtedothi - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2015 đang diễn ra. Ngoài những cái tên cũ, một số cái tên mới trong “tầm ngắm” mua bán, sáp nhập (M&A) cũng bắt đầu lộ diện. Năm 2015 - năm cuối ngành ngân hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 – 2015, M&A ngân hàng cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Gọi tên nhiều “ông lớn”

Theo báo cáo của Ban điều hành trình cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vừa công bố, trong năm 2015, MHB sẽ phối hợp với BIDV hoàn tất đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank chi nhánh Hà Nội.  	Ảnh:Việt Linh
Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh:Việt Linh
Mới đây, thương vụ sáp nhập NamABank - Emximbank cũng đã được “lộ sáng” khi đầu tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc NamABank Trần Ngô Phúc Vũ từ nhiệm để ứng cử chức thành viên HĐQT Eximbank.

Bên cạnh những cái tên mới, thời gian tới, các thương vụ M&A ngân hàng đã được NHNN chấp thuận về mặt chủ trương cũng như “người trong cuộc” chính thức thừa nhận như Southern Bank và Sacombank, VietinBank - PGBank, Vietcombank – Saigonbank… chắc chắn sẽ làm  mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay nóng hơn.

Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, thời gian tới, hoạt động sáp nhập sẽ có nhiều điểm mới, kịch tính hơn. Theo đó, thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi.

Làm sạch hệ thống
“Động thái M&A trên thị trường cho thấy, Việt Nam đã rút ra bài học “cần ngân hàng mạnh, chứ không cần nhiều ngân hàng”.
Ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á
Theo các chuyên gia kinh tế, tại nhiều nước trên thế giới, M&A ngân hàng là hoạt động bình thường trên cơ sở các ngân hàng tự tìm hiểu và quyết định để trở thành một định chế tài chính lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này được đặt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống nên về cơ bản, mục đích không giống với các nền kinh tế phát triển. “Sáp nhập ngân hàng, trong đó có chuyện ngân hàng lớn “ôm” ngân hàng nhỏ, ngân hàng tốt hỗ trợ ngân hàng yếu là giải pháp phù hợp trong một lộ trình dài hơi. Trước tiên, NHNN sẽ gom các ngân hàng lại với nhau, làm gọn lại, sau đó sẽ tính đến làm sạch hệ thống” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Đến nay, tiến độ M&A ngân hàng đang được đẩy nhanh. Ngày 8/4, MaritimeBank công bố hợp đồng sáp nhập MDB, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Đây được coi là “cú hích” cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc giảm số lượng các ngân hàng này sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống.

Sau động thái gom để làm gọn hệ thống ngân hàng, câu chuyện giải quyết nợ xấu và những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ được NHNN làm mạnh tay hơn. Bên cạnh đó, phải xử lý được vấn đề sở hữu chéo. Việc mua cổ phần, cổ phiếu, dùng tiền vay mượn thế chấp… đã tạo ra một dòng vốn ảo chạy lòng vòng trong các ngân hàng, gây nhiều hệ lụy. NHNN nên có những nghiên cứu để biết trong hệ thống ngân hàng bao nhiêu phần trăm là vốn thật, bao nhiêu là vốn ảo để có hướng xử lý.