Lộ diện những thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 60/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch...

Kinhtedothi - Tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 60/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch (QH) phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 - có xét triển vọng đến năm 2030 (QH 60). Tuy nhiên, theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện QH này khó khả thi bởi đang dần lộ diện không ít thách thức...

Theo Quyết định 60/QĐ-TTg, mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất (SX) toàn ngành năm 2015 đạt 55 - 58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60 - 65 triệu tấn; đến năm 2025 đạt 66 - 70 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. Chủ tịch HĐTV Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, việc thực hiện các mục tiêu trong QH 60 khó khả thi, trước hết xuất phát từ sự chậm trễ trong thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác. Đến thời điểm này, Vinacomin mới được cấp 5/33 giấy phép thăm dò than giai đoạn đến năm 2015. Hơn nữa, cơ chế chính sách cho đầu tư dự án phát triển mỏ (vốn đầu tư, thủ tục đấu thầu, tự thi công…) cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo ông Chuẩn, than là một trong 3 trụ cột của an ninh năng lượng, hơn 50% sản lượng điện sản xuất theo QH điện VII là điện đốt than, nên phải có chính sách phù hợp hơn để xây dựng mỏ. Bên cạnh đó, chưa có sự đồng bộ giữa QH phát triển ngành đã được phê duyệt với QH phát triển KT - XH địa phương; QH khu dân cư, khu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên hay phục vụ du lịch của tỉnh… cũng tăng quy mô diện tích, dẫn đến hạn chế nhiều khu vực khai thác. 
Phát triển ngành than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.  Trong ảnh:  Khai thác than tại mỏ Cao Sơn, Quảng Ninh.      Ảnh:  Tuấn Anh
Phát triển ngành than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khai thác than tại mỏ Cao Sơn, Quảng Ninh. Ảnh: Tuấn Anh
 
Đáng chú ý về thị trường than, từ năm 2012 đến nay, nhu cầu than và giá bán giảm mạnh. Trong khi đó, giá thành SX than ngày càng cao do chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp ngày càng phải khai thác xuống sâu, cung độ vận chuyển xa hơn. Than bán cho các nhà máy sản xuất điện thấp hơn giá thành trong nhiều năm, nên vốn tích lũy được để đầu tư phát triển theo đúng QH cũng bị hạn chế. Mỗi năm, Vinacomin ít nhất phải đầu tư 14.000 tỷ đồng, năm nhiều tới 18.000 - 19.000 tỷ đồng. Để vay được vốn thì một trong những yêu cầu tiên quyết là kinh doanh phải có lãi, song tình hình kinh doanh  lại không thể đáp ứng. Do đó, ngành than buộc phải điều chỉnh giảm sản lượng để đảm bảo cân đối tài chính, việc làm. Từ 44 triệu tấn năm 2011, đến nay ngành chỉ SX dưới 40 triệu tấn/năm. 

Ngoài ra, còn các vấn đề về hạn chế năng lực thi công mỏ mới của các đơn vị trong ngành, các loại thuế và phí chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành SX (thuế, phí hiện chiếm trên 23% giá thành than bán trong nước và  30% giá thành than xuất khẩu)... 

Trước thực trạng trên Vinacomin cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước thực hiện QH 60, xem xét kỹ mối liên hệ giữa QH địa phương với QH phát triển ngành do Thủ tướng phê duyệt để xác định ưu tiên QH nào trước, QH nào sau, đảm bảo tính hài hòa ổn định lâu dài. Trong đó, mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia phải được coi là QH ưu tiên và các cấp, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện. Đặc biệt, trong công tác điều tiết thị trường giữa các hộ tiêu thụ than lớn (điện, phân bón, đạm, xi măng) với Vinacomin rất cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, có cam kết chặt chẽ giữa những hộ tiêu thụ này với nhà SX than, trong đó, Vinacomin chịu trách nhiệm tổ chức các dự án SX để bảo đảm phù hợp cung - cầu.
 
Tại buổi làm việc mới đây về QH phát triển ngành than đến năm 2020 - có xét triển vọng đến 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng tình với những kiến nghị của Vinacomin và tỉnh Quảng Ninh, đồng thời chỉ đạo giao Bộ Công Thương và Vinacomin rà soát, hoàn thiện QH điều chỉnh vào cuối năm 2014.