Lò gạch hoạt động trái phép tại Huyện Sóc Sơn: Xử lý toàn bộ trước 31/10

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đưa ra tại buổi làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội sáng 16/3, liên quan tới hoạt động trái phép của một số lò gạch trên địa bàn huyện mà báo chí phản ánh thời gian qua.

Theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, thực hiện văn bản chỉ đạo của TP về việc triển khai xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn TP, từ năm 2013 đến nay, huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện dỡ bỏ các lò gạch thủ công. Tính đến tháng 2/2013, huyện đã hoàn thành xóa bỏ toàn bộ 524 lò gạch thủ công. Tuy nhiên, do UBND một số xã buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết nên đã để xảy ra tình trạng một số chủ lò tự đầu tư chuyển đổi lò gạch sử dụng công nghệ cải tiến. Đến tháng 3/2016, trên địa bàn huyện còn tồn tại 57 lò gạch, trong đó, có 50 lò úp vung áp dụng công nghệ xử lý khói thải, 6 lò vung và 1 lò đứng. Các loại lò gạch đang tồn tại là do các chủ cơ sở sản xuất tự chuyển đổi mô hình, hoạt động không có giấy phép, hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Trong số 57 lò gạch đang tồn tại, có 19 lò được UBND TP chấp thuận về mặt nguyên tắc cho hoạt động đến hết 31/12/2016 tại Văn bản số 4101/UBND-QHXDGT ngày 7/6/2013. Tuy nhiên, các lò gạch này đều chưa hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội.
Lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn. 	Ảnh: Trọng Tùng
Lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Tuấn cho biết, không phải tới khi báo chí phản ánh, công tác xử lý lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn mới được lãnh đạo huyện quan tâm. Trong các năm 2014 - 2015, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, phòng ban liên quan chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý đất đai, bảo  vệ môi trường, trật tự xây dựng. Hiện, huyện đang tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung rà soát, phân loại, làm rõ vi phạm đối với từng lò gạch. Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, các đơn vị chấm dứt hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng mục đích sử dụng đất. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý, bao gồm cả giải pháp cưỡng chế. Tổ chức xử lý toàn bộ các lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện xong trước 31/10/2016.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, việc xử lý các lò gạch sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện, đời sống cũng như việc làm của một bộ phận người lao động. Do đó, kiến nghị UBND TP xem xét cho phép áp dụng xử lý lò gạch nung theo Văn bản 4101 đối với các lò gạch đã lắp đặt hệ thống xử lý khói thải đáp ứng yêu cầu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, đồng thời sớm ban hành chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần