Đồng thời, tại thời điểm này, địa phương tiến hành xây dựng lò gạch cải tiến, thân thiện với môi trường.
Theo đó, UBND huyện quy hoạch, xây dựng 14 lò gạch cải tiến, lò vòng thân thiện với môi trường có công suất 36 triệu viên/năm ở tại 9 xã, thị trấn nhằm đảm bảo cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các địa phương đang thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).
Qua khảo sát tại một số địa phương trong huyện có lò gạch thân thiện với môi trường, như xã Lưu Hoàng, xã Đông Lỗ, thị trấn Vân Đình… nhận thấy cây trồng ở xung quanh vẫn xanh tươi, thu hoạch đạt năng suất, không thấy có mùi cháy khói, khét hay mùi than. Đặc biệt, tình trạng hạ cốt ruộng, ao hồ ở tại các khu lò gạch không còn xảy ra. Ông Nguyễn Văn Thực, chủ lò gạch ở xã Lưu Hoàng bộc bạch: Trước đây, sau mỗi lần đốt gạch bằng lò thủ công sử dụng nguyên liệu than, củi nên thường xuyên tạo ra khói khiến cây trồng bị cháy, mất mùa, gây thiệt hại cho chủ lò vì phải bồi thường. Nhưng, từ năm 2013 đến nay, sau khi đầu tư xây dựng, hoàn thiện lò vòng đã SX gạch quanh năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động. Điều đáng chú ý là cây trồng xung quanh vẫn xanh tươi bởi không còn phải chịu sức nóng, khói của lò gạch nữa. Người dân không còn bức xúc, DN yên tâm SX.
Chia sẻ với phóng viên về công tác quản lý lò gạch thân thiện môi trường trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Vẻ cho biết: “Sau khi 14 lò gạch thân thiện với môi trường ở địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để cung cấp VLXD phục vụ xây dựng NTM, các phòng chuyên môn đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở SX gạch. Qua đó nhận thấy, các chủ lò đã thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không để xảy ra mất an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động và cung ứng được nguồn VLXD cho địa phương…”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh chia sẻ, giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu sử dụng VLXD cho công trình của các hộ dân và Nhà nước sẽ còn tăng. Việc sử dụng nguồn VLXD từ các nơi khác chuyển về địa phương dẫn đến giá thành tăng, do cự ly vận chuyển xa, cước phí lớn. Không những vậy, quá trình vận chuyển tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông, hư hỏng mặt đường….“Để ổn định tình hình, ngày 30/9/2016, UBND huyện có Văn bản số 715/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng có nội dung xác định đến hết năm 2020, huyện vẫn phải sử dụng VLXD từ các cơ sở SX trên địa bàn. Do vậy, UBND huyện đề nghị Sở Xây dựng cho ý kiến về lộ trình của UBND TP đối với hoạt động của các lò gạch. Qua đó, ngày 24/10/2016, Sở Xây dựng có Văn bản số 9530/SXD-KHTH phúc đáp nêu rõ: Các lò gạch thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại được phép hoạt động đến hết năm 2020. Như vậy, TP đã chấp thuận cho phép địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của các lò gạch trên địa bàn” - bà Vân Anh khẳng định.