Lò gạch thủ công trá hình tại huyện Quốc Oai “liên tục phát triển”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công, một số huyện ngoại thành đã có văn bản kiến nghị UBND TP cho phép xây dựng lò tuynel có công nghệ thân thiện với môi trường.

Nhân cơ hội này, một số xã ở huyện Quốc Oai đã “biến tấu”, tạo điều kiện cho lò gạch thủ công tồn tại.

Đổ lỗi cho... tiền nhiệm

Chỉ thị số 15 ngày 29/6/2010 của UBND TP Hà Nội nêu rõ: "Cấm tuyệt đối việc tận dụng đất nạo vét ao hồ nuôi trồng thủy sản để sản xuất gạch thủ công. UBND cấp xã không được phép tái ký hợp đồng với các chủ lò gạch". Nhưng tại huyện Quốc Oai, một số xã đã phớt lờ chỉ thị của UBND TP Hà Nội (?).
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai: Những lò gạch này chỉ thay đổi mỗi ống khói để đạt chuẩn.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai: Những lò gạch này chỉ thay đổi mỗi ống khói để đạt chuẩn.
 Ông Nguyễn Văn Cửu - Chủ tịch UBND xã Phú Cát cho biết: “Trên địa bàn hiện có 4 chủ với 6 lò gạch đang hoạt động”. Theo ông Cửu, do hợp đồng vẫn còn thời hạn nên buộc phải duy trì. Tuy nhiên, ngày 25/11/2013, UBND xã Phú Cát đã ký (mới) hợp đồng số 50 cho ông Nguyễn Văn Thứ (ở xã Hợp Đức, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) thuê quỹ đất công để sản xuất gạch nung tại chỗ theo công nghệ tuynel lò đứng. Theo nội dung hợp đồng, ông Thứ được sử dụng 16.318m2 đất với thời hạn 4 năm, diện tích tận dụng lấy đất 1.067m2, độ sâu nạo vét 4m; giá trị hợp đồng 124.675.000 đồng. Ngoài ông Thứ, chính quyền xã Phú Cát còn ký hợp đồng cho 3 hộ khác thuê với tổng diện tích 27.752m2.

Còn tại xã Hòa Thạch, không phải UBND xã mà HTX nông nghiệp lại đứng ra ký hợp đồng cho ông Đào Xuân Cát thuê 5,7ha trong 5 năm (đến năm 2017) để sản xuất gạch. Khi phóng viên đề nghị cho xem các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc cho thuê đất, ông Nguyễn Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch viện cớ cán bộ chuyên môn đi vắng nên không cung cấp được. Trước câu hỏi vì sao HTX lại có quyền cho thuê đất, ông Thuận cho biết: Trước năm 2010, việc HTX cho thuê đất là đúng luật (?); còn sau năm 2010, HTX vẫn tiếp tục cho thuê là sai. "Tuy nhiên, khi tôi nhận chức Chủ tịch xã, vì hợp đồng đang thực hiện dở nên không thu về" - ông Thuận giải thích.

Ngày 26/3/2013, UBND huyện Quốc Oai có báo cáo, đề xuất với UBND TP cho chuyển đổi công nghệ 11 điểm lò trên địa bàn. Nhưng ngày 24/5/2013, Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND TP, chỉ đề nghị số lượng lò áp dụng cho huyện Quốc Oai là 4 lò. Theo tìm hiểu của phóng viên, riêng xã Phú Cát đã có 4 chủ lò được huyện Quốc Oai ký giấy phép xây dựng tạm. Ngoài ra, các lò ở Hòa Thạch, Ngọc Liệp đều được UBND huyện cấp phép.

Báo cáo ngày 26/5/2016, của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai thể hiện: Trên địa bàn xã Phú Cát có 6 lò gạch nung (của 5 cơ sở sản xuất) gồm: 1 lò vòng, 3 lò úp vung, 1 lò đứng và 1 lò bán vòng, bình quân công suất mỗi lò là 24 triệu viên/năm. Với cơ sở sản xuất của ông Thứ, theo giấy phép, công trình được xây lò tuynel đứng (diện tích xây dựng là 66,5m2, tổng diện tích sàn 66,5m2, chiều cao công trình 9,09m). Tuy nhiên, tháng 9/2015, ông Thứ đã xây 1 lò vòng với diện tích lên tới 1.218m2.

Đề nghị cho tồn tại?

Văn bản của Phòng Kinh tế UBND huyện Quốc Oai cho hay: Cả 5 cơ sở sản xuất gạch ở xã Phú Cát đều không xuất trình đầy đủ hợp đồng, hóa đơn, chứng từ khi mua đất, chưa thực hiện thuế tài nguyên… Ngoài ra: "Hầu hết các lò gạch chỉ là lò thủ công cũ có từ trước, cải tiến xây dựng thêm ống khói xử lý. Việc ký hợp đồng cho thuê đất để sản xuất gạch của UBND xã Phú Cát còn nhiều bất cập". Tuy nhiên, cũng văn bản này lại đề xuất: “UBND huyện cho các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ cải tiến, xử lý khói trên địa bàn xã (Phú Cát) được tiếp tục tồn tại…”.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Luật cho rằng: “Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong khi vật liệu không nung chưa phát triển, UBND TP đã cho gia hạn thêm lò gạch với điều kiện các lò gạch không làm ảnh hưởng đến người dân và đất nông nghiệp. UBND huyện đã cấp giấy phép vì các chủ lò đã áp dụng công nghệ nung tiên tiến của Đại học Bách khoa. Sắp tới, huyện sẽ kiểm tra tổng thể về lò gạch trên địa bàn. Lò nào áp dụng công nghệ mới sẽ cho tồn tại hết thời gian cấp phép, những lò vi phạm sẽ kiên quyết xử lý trong năm nay. Đằng nào thì hết năm 2016 cũng phải chuyển sang vật liệu không nung”.

Theo một số người am tường về nghề sản xuất gạch, để xây được một lò tuynel dạng đứng, chủ lò phải bỏ ra tối thiểu 2 tỷ đồng; còn với lò dạng vòng, số tiền bỏ ra gấp nhiều lần. Nếu đúng theo phát biểu của ông Luật, hết năm 2016, huyện Quốc Oai sẽ phải đồng loạt đóng cửa hàng chục lò gạch, hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào đó có nguy cơ mất trắng.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc này