Tước giấy phép nhiều thương nhân phân phối xăng dầu
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường, đã kiểm tra, xử phạt và tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với 16 doanh nghiệp; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6,7 tỷ đồng từ hoạt động thanh tra.
Các hành vi vi phạm của thương nhân phân phối xăng dầu phổ biến gồm: Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác, hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác, hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.
Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
Đáng chú ý, qua thanh tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định).
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có khoảng hơn 6.000 cây xăng thuộc các thương nhân phân phối, tổng đại lý trên cả nước. Tuy nhiên, khi thị trường có vấn đề, vai trò của các thương nhân phân phối không thấy đâu trong khi họ được phép mua từ nhiều nguồn để phân phối ra thị trường. Dẫn chứng thực tế cho thấy, Nhật Bản thị trường lớn và nhu cầu xăng dầu lớn gấp 3 lần Việt Nam nhưng cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối mà họ vẫn quản lý tốt và rất cạnh tranh. Còn tại Việt Nam, có tới 38 đầu mối và hơn 300 thương nhân phân phối mà thị trường nhiều khi vẫn bất ổn, điển hình nhất là gián đoạn nguồn cung, thiếu xăng dầu trong năm 2022.
“Bộ Công Thương phải thanh lọc được thị trường, rút giấy phép vĩnh viễn với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm. Bên cạnh đó, cần xem xét việc xóa bỏ nấc trung gian trong chuỗi kinh doanh xăng dầu để thanh lọc thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp gốc rễ để xử lý vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng dầu của thị trường trong nước” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Quỹ bình ổn xăng dầu bất ổn
Vụ việc Công ty Xuyên Việt Oil (là 1 trong số 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu) vừa bị khởi tố do nợ hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế đã phần nào cho thấy “góc khuất” của vấn đề quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu tại các doanh nghiệp.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng doanh nghiệp sử dụng, hạch toán như thế nào là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Nhà nước không nên giao cho doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Doanh nghiệp quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ bình ổn xăng dầu”.
TS Vũ Vinh Phú
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho biết, theo quy định của pháp luật, mỗi một doanh nghiệp đầu mối sẽ phải mở một tài khoản riêng để theo dõi số tiền chi, trích Quỹ Bình ổn theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng kỳ điều hành giá xăng dầu. Nếu doanh nghiệp sau thanh tra bị tước giấy phép thì bắt buộc doanh nghiệp này phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Theo khoản 26, Điều 1, Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có quy định: "Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá".
Trong đó, trường hợp Quỹ bình ổn dương sẽ được tính lãi suất và gộp vào quỹ; trường hợp Quỹ bình ổn âm, doanh nghiệp sẽ được vay lãi suất ưu đãi và trừ vào quỹ khi quỹ dương, hoặc được trả lãi nếu sử dụng nguồn tài chính hợp pháp.
Như vậy, Quỹ bình ổn đặt tại doanh nghiệp và do doanh nghiệp toàn quyền quản lý và sử dụng theo hướng dẫn và chỉ đạo của quản lý Nhà nước về việc trích lập và chi trả quỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, từ trường hợp của Công ty Xuyên Việt Oil, rõ ràng, Quỹ bình ổn và thuế Bảo vệ môi trường đặt tại doanh nghiệp là hình thức đặt trứng trong một giỏ. Khi doanh nghiệp làm ăn kinh doanh bết bát, nợ thuế lớn thì sẽ có khả năng bị chiếm dụng, thậm chí chiếm đoạt nguồn quỹ, thuế này của Nhà nước. Chưa kể Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước.
Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, một trong những điểm bất cập nữa là Quỹ bình ổn xăng dầu nằm ngoài ngân sách Nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng nhưng mức trích lập, mức chi lại dựa trên quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Như vậy, sẽ chậm thời gian mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước và không phù hợp với diễn biến tức khắc của thị trường thế giới.