Lợi dụng online bán hàng giả hàng nhái Theo Hiệp hội TMĐT, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước tương đương 7,8 tỷ USD so với điểm xuất phát năm 2015 chỉ ở mức 4 tỷ USD, dự kiến năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Thực tế, hình thức bán hàng online với ưu điểm người mua chỉ cần “lướt” mạng là mua được hàng hóa cần thiết nên nhiều hệ thống siêu thị Hà Nội đã mở thêm kênh bán hàng online song hành với cách bán hàng truyền thống.
Đối với website TMĐT vi phạm cần có biện pháp buộc tổ chức, cá nhân chủ sở hữu gỡ bỏ các thông tin vi phạm, thậm chí thu hồi vĩnh viễn tên miền. Ngoài ra, các cơ quan quản lý trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành cần chú ý hướng dẫn, phổ biến để người dân và DN hiểu đúng chính sách và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước. Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc |
Cùng với đó còn xuất hiện hàng loạt trang bán hàng qua mạng như Ebay.vn, Lazada.vn, vatgia.vn, sendo.vn... nhưng chính từ đây lại nảy sinh không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, không nhận được sản phẩm, hoặc nhận hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo DN uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NTD, DN. Nhiều NTD bức xúc khi tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ bị các DN sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng… Đây chính là vấn đề mà rất nhiều NTD lo ngại khi mua hàng online và không biết kêu ai nếu mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Trả lời câu hỏi này, Phụ trách Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Đạt cho biết, dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi NTD; tuy nhiên việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các DN gian lận rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được DN “ảo” không đơn giản. “Các trang Website TMĐT không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, khu chung cư. Mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã triệt phá đường dây mua bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên website nhathuoc18.com. Địa chỉ kinh doanh mập mờ, mọi giao dịch bán hàng qua mạng… khiến các lực lượng chức năng phải trinh sát, kiểm soát đặc biệt mới có thể xử lý triệt để” – ông Đạt chia sẻ.
Quy định chưa theo kịp thực tế Trưởng ban Chính sách vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương, cho rằng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT của Việt Nam được hình thành từ năm 2005, thể hiện trong 3 đạo luật: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Thương mại năm 2005 và Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Các điều khoản quy định khá rõ ràng và chi tiết trong việc quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; quản lý tên miền; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong TMĐT. Nhưng trong thực tế vẫn còn những khoảng trống đáng kể về tính pháp lý liên quan đến chứng từ, hợp đồng, hóa đơn điện tử… Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn.
Để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững và triệt tiêu triệt tình trạng núp bóng loại hình này để bán hành giả, hàng nhái, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD, chính sách phát triển đồng bộ từ dịch vụ logistics tới thanh toán. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần sớm xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, tiêu thụ hàng giả. Ngoài ra mỗi người phải trở thành NTD thông thái chỉ chọn mua những sản phẩm hàng hóa từ những địa chỉ uy tín, nói không với hàng giả, hàng nhái.