Theo đó, đây là một trong những biện pháp nhằm tăng cường an ninh của Đức trong bối cảnh nước này vừa hứng chịu 2 cuộc tấn công mà thủ phạm là phần tử thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, ông và các thành viên trong liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) nhất trí sẽ đưa ra dự thảo luật, bắt buộc để lộ khuôn mặt ở một số địa điểm công cộng như khu vực lễ tân, văn phòng hành chính, trường học, trường đại học, tòa án.
Trang phục Burqa của phụ nữ Hồi giáo có thể bị cấm ở Đức |
Trong một phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, việc mặc trang phục burqa và che kín mặt là rào cản đối với người Hồi giáo nói chung và phụ nữ Hồi giáo nói riêng khi muốn hòa nhập vào cuộc sống ở Đức. Hiện, chưa rõ thời điểm chính phủ Đức công bố dự thảo luật này. Người dân Đức đang phẫn nộ sau khi xảy ra 2 vụ tấn công nhằm vào dân thường hồi tháng trước. Sau chính sách “mở cửa” đón người di cư, từ năm ngoái đến nay, Đức trở thành điểm đến của hơn một triệu người di cư, phần lớn là người Hồi giáo. Điều này đã khiến nhiều người dân Đức lo ngại những người đến từ nền văn hóa và tôn giáo khác sẽ gây xáo trộn và bất ổn tại Đức. Đức là nơi cư trú của gần 4 triệu người Hồi giáo, chiếm khoảng 5% dân số nước này. Tuy nhiên, hiện không có con số thống kê chính thức về số lượng phụ nữ mặc burqa. Cho đến nay, nhiều nước ở châu Âu như Pháp và Bỉ đã cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burqa tại khu vực công cộng. Trong khi đó, Italia lại lựa chọn việc không cấm các trang phục burkini hay burqa, bởi cho rằng, đây có thể là nguyên nhân gây kích động trong cộng đồng Hồi giáo và rất dễ diễn ra các cuộc tấn công khủng bố. Burqa là một loại áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải để trùm lên đầu, phía trước một tấm lưới dày che mặt làm họ chỉ có thể nhìn từ trong ra ngoài.