Mặc dù chính quyền các cấp huyện Hoài Đức đã vào cuộc, nhưng do thiếu quyết liệt nên đến nay, các lò mổ này vẫn ngang nhiên tồn tại. 4 lò mổ tiếp tục tồn tại Qua tìm hiểu được biết, vào thời điểm tháng 2 vừa qua, sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng tải bài viết, UBND xã La Phù đã tích cực tuyên truyền, vận động được chủ lò mổ Nguyễn Phan Hưng dừng hoạt động. Một số lò khác hoạt động cầm chừng với mục đích nghe ngóng xem động thái vào cuộc của lực lượng chức năng xã, huyện. Nhưng, chỉ sau một thời gian, thấy lực lượng chức năng không quyết liệt, các lò mổ lợn tái hoạt động trở lại. Cụ thể, từ giữa tháng 5 đến nay, lò mổ của ông Hưng cùng lò mổ của các ông Nguyễn Phan Quyền, Nguyễn Hưng Tiến và Nguyễn Hưng Tuấn hoạt động rầm rộ trở lại. Thậm chí, trên địa bàn thôn Độc Lập còn xuất hiện thêm lò mổ lợn của ông Nguyễn Hưng Thìn (nhưng chỉ sau 3 ngày được UBND xã vận động, ông Thìn đã dừng hoạt động lò mổ).
Theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm này, 4 lò mổ lợn của các ông Hưng, Quyền, Tiến, Tuấn vẫn hoạt động bình thường. Thời gian hoạt động từ khoảng 2 giờ - 7 giờ sáng và 12 giờ - 15 giờ chiều. Số lượng lợn được đưa về đây giết mổ mỗi ngày còn tăng nhiều hơn trước. Mức độ ô nhiễm môi trường do nước thải, phân lợn và tiếng ồn càng gia tăng, gây bức xúc cho người dân địa phương. Lúng túng khâu xử lý Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa thừa nhận việc cả 4 lò mổ lợn tại thôn Độc Lập hoạt động trở lại. Nguyên nhân do thời điểm vừa qua, UBND xã tập trung cho công tác bầu cử nên các chủ lò mổ lợn mới có cơ hội tái phạm. Để xử lý được dứt điểm vi phạm mà không phải tính đến việc tổ chức cưỡng chế công trình dễ gây tốn kém tiền của cho Nhà nước, ông Khoa đề nghị: “UBND huyện quyết liệt hơn nữa chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ UBND xã lập chốt trực ở một số tuyến đường dẫn vào các lò mổ, không để các trường hợp tập kết lợn về lò mổ. Làm tốt nội dung này, các lò mổ sẽ phải dừng hoạt động”. Phó Trưởng trạm Thú y huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Trạm đã thực hiện đúng trách nhiệm trong việc kiểm tra hoạt động kinh doanh, kiểm tra nguồn gốc gia súc, gia cầm khi được đưa về lò mổ. Bên cạnh đó, đã phối hợp với Công an huyện, Sở NN&PTNT lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp này. Đồng thời, phối hợp với UBND xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, nhưng các chủ lò vẫn cố tình vi phạm. Hiện nay, Trạm đang phối hợp với UBND xã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo và đề xuất với UBND huyện hướng xử lý dứt điểm 4 lò mổ này trong thời gian tới”. Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Nguyễn Trọng Lương, ngày 20/1/2016, UBND huyện đã có Văn bản số 294/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã hoàn thiện hồ sơ xử lý các công trình nhà xưởng, nhà tạm của các cá nhân đang sử dụng làm lò mổ lợn. Tuy nhiên, báo cáo của địa phương cho thấy, thời điểm tháng 3 và tháng 4, một số lò mổ đã dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên UBND xã xin tiếp tục tuyên truyền, vận động, chưa xây dựng kế hoạch cưỡng chế: “Nhưng, thời gian gần đây, Phòng nhận được thông tin các lò mổ lợn tại thôn Độc Lập vẫn hoạt động bình thường. Qua kiểm tra xác nhận thông tin là đúng, nên Phòng đã yêu cầu UBND xã vẫn thực hiện theo hướng mà UBND huyện đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế công trình nhà xưởng, nhà tạm của các chủ lò mổ trước đó. Để 4 lò mổ lợn này ngang nhiên hoạt động cho đến nay, lỗi do UBND xã chưa làm hết trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm theo thẩm quyền”.
Các lò mổ lợn tại thôn Độc Lập vẫn ngang nhiên hoạt động. |