Kinhtedothi - Dư luận chưa lắng xuống sau vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Bạch Mai, thì nay, lại thêm vụ BS BV Thanh Nhàn bị kẻ xấu tấn công làm gãy xương hàm trái ngay trong ca trực cấp cứu. Những vụ việc này khiến dư luận không khỏi lo ngại về an ninh BV.
Hành xử như “luật rừng”
Ngay sau khi xảy ra vụ BS bị đánh trọng thương, BV Thanh Nhàn đã có công văn báo cáo Sở Y tế Hà Nội. Theo đó, vào khoảng 22 giờ 20 phút đêm 20/9, BS Phạm Thanh Tùng đang trực cấp cứu Ngoại tại BV thì bị một thanh niên khoảng 35 tuổi xông vào gây sự, chửi bới và đánh túi bụi vào mặt. BS Tùng bị choáng, sưng nề một nửa mặt bên trái, đã được BS, điều dưỡng chuyển lên phòng hồi sức cấp cứu Ngoại theo dõi. Hiện tại (ngày 23/9), BS Tùng đang được điều trị tích cực tại Phòng cấp cứu khoa Ngoại sọ não và chấn thương chỉnh hình trong tình trạng chấn động não, gãy cung tiếp xương gò má trái, không cử động được khớp thái dương, gò má. Vụ việc xảy ra khiến tập thể cán bộ, nhân viên BV, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vô cùng hoang mang. BV Thanh Nhàn đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đối tượng để đảm bảo an ninh trật tự trong BV, tạo sự yên tâm công tác đối với BS, nhân viên các ca trực.
Tiếp xúc với phóng viên, một điều dưỡng tham gia kíp trực cho biết, vì nghĩ con mình là bé Nguyễn Gia H. (4 tuổi, phường Bạch Mai, Hai Bà Trưng) được chuyển đến Khoa Cấp cứu, nhưng không được BS quan tâm nên người đàn ông tầm 35 tuổi, bố bé H. xông vào đánh BS. Thực tế, bé H. nhập viện trong tình trạng không quá nghiêm trọng, chỉ bị sưng ở phần trán nên BS Tùng phụ trách kíp trực cho bệnh nhân nằm theo dõi và ưu tiên cấp cứu những ca nặng hơn.
Không thể chấp nhận
Đánh giá về vụ việc nêu trên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định: "Đây là hành động côn đồ, không thể chấp nhận được. Sở Y tế đã đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm". Đề cập đến khía cạnh phải chăng BS thờ ơ khiến người nhà bệnh nhân bức xúc, đại diện Sở Y tế cho rằng, theo báo cáo từ phía BV, kíp trực đã xử lý đúng quy trình, không xảy ra sai sót. Tuy nhiên, Sở chưa có kết luận về vấn đề này, nhưng nếu phía kíp trực có sai sót, thì đã có các quy định hiện hành để xử lý, việc người nhà người bệnh nhân đánh BS là trái pháp luật, đạo lý.
Nhận định về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia từng nói rằng, không thể chấp nhận được việc người nhà bệnh nhân lao vào đánh thầy thuốc, hành xử kiểu giang hồ. Gần đây, có hàng loạt sự cố không mong muốn khiến ngành y bị công kích kịch liệt nhưng đừng vì một vài sự kiện mà lên án cả ngành y. Vẫn còn hơn 400.000 BS, cán bộ y tế đang vật lộn từng ngày từng giờ cứu người bệnh. Nếu không có BS, biết bao người phải đối mặt với tử thần, chịu đựng bao nỗi đau đớn, khổ sở…
Sự việc xảy ra vừa qua tại BV Bạch Mai, BV Thanh Nhàn cũng như nhiều BV khác cho thấy, an ninh BV vẫn còn nhiều bất cập. TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đặt vấn đề, tại sao bạo lực thầy thuốc chủ yếu xảy ra ở BV công và trong những khu vực tập trung đông bệnh nhân như khu cấp cứu mà không phải BV tư? Bởi ở những nơi này luôn quá tải, khiến các y BS chịu nhiều áp lực trong công việc, bệnh nhân chờ đợi lâu gây ức chế. Nguyên nhân chính của tình trạng này là vấn đề quản lý BV công chưa phù hợp. Cần phải giải quyết bài toán về cơ cấu tổ chức BV công bao gồm chức năng, mối quan hệ, sự minh bạch về trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề đảm bảo an ninh BV. Đây là bài toán vĩ mô chưa có lời giải nên hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Lãnh đạo Sở Y tế thăm hỏi và tặng quà bác sĩ Tùng đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh Văn Lập |