MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng:

Lo ngại giới trẻ xem rồi bắt chước nội dung tiêu cực

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - MV “There's No One At All” của Sơn Tùng M-TP được ra mắt tối 28/4 đang gây “bão mạng” vì xây dựng tình huống bi kịch, ám ảnh. Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường kiểm duyệt với những tác phẩm đăng tải trên mạng xã hội để ngăn chặn những tấm gương xấu với giới trẻ.

Truyền bá điều không tích cực

Tối 28/4, MV “There’s no one at all' của ca sĩ Sơn Tùng M-TP ra mắt khán giả. Vốn là thần tượng của giới trẻ, MV của Sơn Tùng M-TP nhanh chóng nhận được nhiều lượt theo dõi, đến nay đã có gần 6 triệu lượt xem.

Hình ảnh trong MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP.
Hình ảnh trong MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP.

Trong MV, “There's No One At All”, Sơn Tùng M-TP là một chàng trai có tuổi thơ khốn khó. Anh là đứa trẻ mồ côi, lớn lên từ cô nhi viện. Vì không nhận được tình yêu thương từ gia đình, anh "đổi tính đổi nết" và theo thời gian đã trở thành một kẻ lêu lổng, hay quậy phá, gây rối. Thế nên anh thường bị người khác đuổi bắt, đánh đập không thương tiếc. Và sau những ngột ngạt phải chịu đựng, kết thúc MV là cảnh anh tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy lầu.

Không ít người đã giật mình khi Sơn Tùng M-TP chọn cái kết tiêu cực cho nhân vật của mình. Vốn là một thần tượng của giới trẻ nên cách anh xây dựng tình huống bi kịch như thế này đã ngay lập tức gây ra tranh cãi trái chiều.

Hình ảnh gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trong MV "There's No One At All".
Hình ảnh gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trong MV "There's No One At All".

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến khán giả đã phản ứng dữ dội trước phân cảnh này. Phạm Thu Hà - Học sinh lớp 11 Trường Vinschool nói: "Em và các bạn hay nghe nhạc của Sơn Tùng. Tuy nhiên, em xem xong MV này cảm thấy ám ảnh. Thời gian qua, nhiều học sinh thấy áp lực vì học hành, gặp bế tắc trong cuộc sống đã làm điều tiêu cực. Chẳng lẽ thấy cô đơn thì lại tìm đến điều đó, em không dám xem lại MV”.

Đặng Quang Thông (34 tuổi, giáo viên), chia sẻ: "Tôi không thích câu chuyện trong MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nếu các bạn trẻ xem được và "bắt chước" hành động của nhân vật trong MV thì rất đáng lo ngại”.

Ngoài ý kiến của một số phụ huynh và học sinh, các chuyên gia văn hoá cho rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, ca sĩ có thể tự do nhưng việc sáng tạo đó, đưa ra lúc nào, thời điểm có phù hợp không và có ảnh hưởng xã hội tiêu cực đến đâu, người sáng tạo cần phải có trách nhiệm.

Trong tình hình hiện nay, rất nhiều quốc gia đã phản ứng, cảnh báo, không đồng thuận với những trang mạng bạo lực, tuyên truyền việc tự tử. Thậm chí có những clip man rợ như thắt cổ trẻ em. Chúng ta chưa có thống kê chính thức nhưng tình hình thực tế hiện nay cho thấy, trong đại dịch Covid-19, có xu hướng gia tăng số trẻ em tự tử. Vậy với nghệ sĩ, việc sáng tạo vào thời điểm này có hợp lý hay không cũng nên xem xét lại.

Kiểm duyệt chặt để không thành tấm gương xấu

Hiện nay, các tác phẩm nghệ thuật như phim, kịch đều có những tác phẩm lên án những vấn đề tiêu cực, trong đó có các vấn đề về sự thiếu thấu hiểu giữa cha mẹ và con, bạo hành. Nhưng trong nguyên tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội ngoài việc lên án, đấu tranh với tiêu cực cần có yếu tố lành mạnh. Điều này có nghĩa, việc làm một sản phẩm, đăng tải lên mạng xã hội cần phải mang lại sự tươi sáng hơn, hướng cộng đồng đến những điều tích cực. “Mặc dù trong cuộc sống vẫn có khoảng tối nhưng nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ phải có cái kết hướng tới giá trị mang tính tươi sáng hơn” - PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ ý kiến về MV “There's No One At All” của Sơn Tùng M-TP, PGS. TS Trần Thành Nam đặt vấn đề về việc kiểm duyệt nội dung: “Vì sao trên mạng xã hội lại có định hướng như vậy? Tại sao một tác phẩm của người nổi tiếng mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể xem được lại có thể được đăng tải như vậy? Nếu là phim có phải gắn mác theo độ tuổi không. Ví dụ vừa rồi có bộ phim “Đêm tối rực rỡ” của Aaron Toronto lên án bạo hành, có hình ảnh ghê rợn nên phải dán mác, chỉ chiếu trong độ tuổi giới hạn. Ví dụ như vậy để rút ra bài học… tác phẩm phải được kiểm duyệt”.

PGS. TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra rằng: Khi đề cập đến những hành động tiêu cực, có rất nhiều cách làm ước lệ, ẩn dụ trong nghệ thuật, tại sao nghệ sĩ phải dung hình ảnh tăm tối như vậy? Liệu họ có nghĩ, đặt câu hỏi khi đưa ra tác phẩm đó tất cả fan (người hâm mộ) của mình – lại là nhóm người dễ bị tổn thương, chưa có nhận thức đúng, họ có thể bắt trước làm theo không? Liệu có phải nghệ sĩ mới đặt trọng tâm vào việc có nhiều views, chú ý chưa cân nhắc đến giá trị cộng đồng, xã hội không?

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của mình trong việc đề cập đến một số hành vi tiêu cực trong quá trình làm việc, PGS. TS Trần Thanh Nam chia sẻ: “Tại sao trong sách giáo khoa viết về vấn đề như bạo hành, tôi không được phép thể hiện hành động xấu để một cách sinh động? Vì chúng ta đang lấy cái đẹp để dẹp cái xấu. Chúng ta sợ rằng quá trình truyền tải trẻ không hiểu, bị ảnh hưởng hay khi tiếp cận nội dung, thể trở thành những sang chấn cho đứa trẻ, gây bất lợi, lo lắng cho đứa trẻ.

Còn trong xã hội chúng ta có quá nhiều sự việc thế này. Bây giờ, một khi anh trở thành người sáng tạo nội dung ở trên mạng cho đại chúng thì phải có kiến thức về tâm lý và giáo dục cho lứa tuổi. Nếu mình muốn một hình ảnh đẹp, truyền tải nội dung ý nghĩa thì việc lựa chọn cách thức thể hiện là một trong những điều cần học, cân nhắc để lựa chọn.

Cũng cùng lên án bạo hành, bỏ mặc đứa trẻ, cách thể hiện cần cân nhắc để lan truyền giá trị tốt, không gây ra nguy cơ cho cộng đồng. Không để vì thương hiệu, tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ mà bất chấp”.

PGS. TS Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Các bằng chứng đi trước cho thấy những người nghệ sĩ nhiều khi chỉ vô tình nhưng tác phẩm của họ trở thành tấm gương xấu, kích động cho cộng đồng, fan của họ đang có cái nhìn tiêu cực, tăm tối về tương lai”.