Lo ngại thực phẩm bẩn khi Tết Nguyên đán cận kề

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, nhiều đối tượng buôn lậu tung ra thị trường thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để trục lợi.

Thực phẩm bẩn bủa vây

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục thu giữ những lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Mặc dù biết là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng các đối tượng vẫn cố ý buôn lậu mặt hàng này vì lợi nhuận cao.

Ngày 12/12, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang cất giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng thu giữ rượu không rõ nguồn gốc tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) ngày 12/12. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng chức năng thu giữ rượu không rõ nguồn gốc tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) ngày 12/12. Ảnh: Hoài Nam

Trước đó  ngày 1/12, Đội QLTT số 22 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa. Đại diện Đội QLTT số 22 cho biết, số lượng hàng hóa tạm giữ ở vụ việc này là rất lớn, cho thấy các đối tượng vi phạm đã có tính toán kỹ lưỡng, tranh thủ đưa ra thị trường cuối năm tiêu thụ.

Tương tự tháng 10/2022, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH An Việt có địa chỉ tại Lô 45-2 Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) đã phát hiện 90 tấn thực phẩm đông lạnh hoặc đã qua sơ chế gồm chân gà, móng lợn, đùi lợn muối Tây Ban Nha… Một điểm chung là tất cả sản phẩm do nước ngoài sản xuất đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu. Trên thực tế, về cảm quan rất khó phát hiện ra số hàng này là thực phẩm bẩn, nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.

Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn tại 83 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn tại 83 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho hay, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...

Nhằm qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng vi phạm thường dùng thủ đoạn chia nhỏ, để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... “Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn'' - ông Trần Việt Hùng nêu rõ.

Siết chặt quản lý

Theo các chuyên gia, vấn nạn thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện xử lý, nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Vì lợi nhuận, mà bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường. Bên cạnh đó còn do một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ khiến tình hình VSATTP diễn biến phức tạp.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND đảm bảo An toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 12/3/2023, TP Hà Nội lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP, qua đó tập trung thanh kiểm tra vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm…

Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn tại 83 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn tại 83 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam

Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay, thực hiện kế hoạch đảm bảo VSATTP của TP Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT chủ động phối hợp với lực lượng công an kiểm tra những điểm tập kết, kho hàng tại nhiều quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... Đặc biệt Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng sức tiêu thụ hàng hóa tăng cao thời điểm cuối năm để tiêu thụ thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo VSATTP trong Tết Nguyên đán sắp tới, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng còn đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về VSATTP, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.

Ở chiều ngược lại người tiêu dùng không nên ham rẻ để sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, để tránh mua hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo VSATTP.