Lo ngại về quy định tăng tuổi trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh minh họa

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, khi tuổi trẻ em được nâng thêm 2 năm so với quy định hiện hành, rất có thể số trẻ vi phạm pháp luật nhiều hơn và Nhà nước phải chi thêm nhiều ngân sách?

Số trẻ vi phạm gia tăng

Những năm gần đây, do mức sống được nâng lên, nên nhiều trẻ mới 13 - 14 tuổi nhưng đã có vóc dáng to cao như thanh niên thời xưa, sinh lý cũng trưởng thành rất nhanh. Bởi vậy, khi biết thông tin “trẻ em là người dưới 18 tuổi”, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh rất… ngạc nhiên và cho rằng nên giữ quy định độ tuổi trẻ em là 16, đang được áp dụng trong Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em bởi: “17 tuổi là trẻ em thì hơi vô lý, vì các em lớn quá rồi, dù rằng tính cách trẻ con chưa hết mà người lớn chưa phải”.
Ảnh minh họa
Kinhtedothi - Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng đồng tình với quy định độ tuổi hiện hành trong Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Bởi 18 tuổi, ở khu vực nông thôn, các em thường xuyên phải lao động kiếm sống. Ở tuổi này, các nam thanh niên có thể đi nghĩa vụ quân sự hay tham gia vào đội bóng của người lớn. Hơn nữa, trước khi có Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và ngay cả hiện nay, nhiều nhà làm giáo dục đề nghị hệ thống giáo dục phổ thông từ 12 năm rút xuống 11 hoặc 10 năm, để học sinh tốt nghiệp THPT ra trường sớm có thể đi làm ngay. Với cách làm này, sẽ đóng góp một nguồn nhân lực không nhỏ cho xã hội và Nhà nước tiết kiệm được ngân sách của một năm học để đầu tư thêm cho giáo dục.

Nhưng điều mà nhiều người lo lắng nhất khi tuổi trẻ em kéo dài thêm 2 năm là tình hình trẻ em phạm tội sẽ gia tăng. Ông Nguyễn Đức Mạnh - Viện Dân số và gia đình, trẻ em dẫn chứng, sẽ có khoảng 10% trẻ em từ 16 – 18 tuổi rơi vào vòng lao lý nặng nề, mà giải quyết vấn đề này rất khó khăn. Hiện nay, có tới 60% trẻ từ 16 - 18 tuổi trong tổng số trẻ em vi phạm pháp luật, còn lứa tuổi từ 14 – 16 là 32%, dưới tuổi 14 là 8%. “Nâng số tuổi trẻ em lên thì số lượng trẻ em vi phạm pháp luật rất lớn. Vậy sẽ xử lý thế nào? Hiện, người 18 tuổi vi phạm pháp luật thì xử lý, bây giờ là trẻ em sẽ phải xử lý khác. Không thể đưa 5% trong số 4 triệu trẻ em từ 17 - 18 tuổi vào trường giáo dưỡng. Mà đưa vào cộng đồng làm công tác giáo dưỡng thì chưa có tác dụng, bởi chưa hình thành việc này” - ông Mạnh lo lắng.

Cần có bằng chứng thuyết phục

Bên cạnh những ý kiến phản đối là sự đồng tình của nhiều chuyên gia làm luật và chăm sóc trẻ em. Bởi theo các chuyên gia, trẻ em là người dưới 18 thay vì 16 tuổi là một quy định được sửa đổi để phù hợp hơn với quy định tại Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Văn phòng luật sư NewVision Law cho rằng: “Quy định này khá hợp lý, bởi trong lứa tuổi từ 16 - 18, các em chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn. Các em cũng có những chuyển đổi mạnh về tâm sinh lý, nên cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, xã hội và Nhà nước”.

Hơn nữa, thực tế quy định về độ tuổi ở các văn bản pháp luật hiện hành có sự khác nhau, dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó. Ví dụ, tại Bộ luật Dân sự quy định, người thành niên là đủ 18 tuổi trở lên, còn Luật Thanh niên quy định thanh niên là người từ đủ 16 - 30 tuổi. Như vậy, thanh niên chưa phải là người thành niên. Còn Bộ luật Lao động lại quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Do đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, nếu thay đổi độ tuổi sẽ dẫn đến phải điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật và văn bản dưới luật khác… để bảo đảm tính thống nhất độ tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi.

Hơn nữa, nếu nâng độ tuổi trẻ em cũng đồng nghĩa với việc phải tăng ngân sách Nhà nước cho thêm 4 triệu trẻ em. Và một nội dung quan trọng cần được đặt ra đó là vấn đề cung cấp dịch vụ dành cho trẻ em cũng phải khác. Ông Nguyễn Đức Mạnh cho rằng: Hiện nay, chúng ta nói về hệ thống dịch vụ rất hay, nhưng chưa triển khai gì cả. Muốn đồng bộ hệ thống này, Nhà nước phải có chính sách rất cụ thể, đồng bộ. Chúng ta đã có chương trình công tác xã hội từ 2011 - 2020, nhưng đưa ra quy định mỗi xã/phường chỉ có 2 - 3 người làm. Chừng nào chúng ta không tách được công tác xã hội ra khỏi quản lý Nhà nước thì vẫn lúng túng, dậm chân tại chỗ. Rồi các chương trình dự án, chương trình mục tiêu dành cho trẻ em phải được phân bổ cho các tổ chức làm dịch vụ công và ngoài công thực hiện thì hoạt động mới có hiệu quả. Nếu không hiện nay 2.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội làm không đúng ngành học, rất lãng phí.

Thế nên trước quy định nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18, các chuyên gia đề nghị cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, có bằng chứng thuyết phục để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại.