Lỗ hơn 1 tỷ đồng
Mô hình lẩu băng chuyền xuất xứ từ Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam và phát triển vào năm 2009-2010. Thời điểm đó, nổi lên tên tuổi của nhiều chuỗi nhà hàng như Kichi Kichi, F1 hay các cửa hàng đơn lẻ như: BKK, Chipa-Chipa, Coca Express, Cooki-Cooki, Muru, Genki,... Các nhà hàng đều có trung bình từ 70-150 chỗ ngồi.
Lạ lẫm với những đĩa thức ăn chạy theo dây chuyền, khách tự lựa chọn, những quán lẩu này thu hút được đông đảo khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Giá mỗi suất ăn trung bình khoảng 200 nghìn đồng/người tùy theo cửa hàng.
Cơn sốt lẩu băng chuyền nhanh chóng hạ nhiệt, chỉ một thời gian ngắn sau đó, số lượng nhà hàng mở ngày càng tăng trong khi đó nhu cầu của khách ăn giảm rõ rệt. Các nhà hàng phải chật vật tìm cách tồn tại thông qua hình thức bán voucher trên mạng, mỗi suất ăn được giảm xuống còn khoảng 150 nghìn đồng. Các nhà hàng còn dùng chiêu giảm giá trực tiếp.
Theo tính toán của ông Tình, thời điểm đông khách, mỗi ngày ông bán được hơn 200 suất, thấp điểm cũng được hơn 100 khách hàng. Theo ông Tình, giá thực phẩm đắt lên trong khi đó cạnh tranh giữa các quán ăn ngày càng nhiều dẫn tới lợi nhuận giảm.
Đến cuối năm 2011, ông Tình quyết định chuyển nhượng lại cửa hàng, chịu lỗ so với đầu tư ban đầu. “Thực tình khi đầu tư mở cửa hàng, mình cũng tính toán đây là mốt nên thị trường cũng sẽ bão hòa, không ngờ lại sớm như vậy”, ông Tình nói.
Sau ông Tình, nhiều chuỗi cửa hàng khác cũng lần lượt đóng cửa. Cho tới nay, lẩu băng chuyền chỉ còn lại hai ba quán của một hệ thống, nhưng số lượng người ăn không nhiều như trước đây.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới phá sản của nhiều quán lẩu băng chuyền, theo đánh giá của khách hàng là chất lượng. Mức giá quá đắt trong khi đó thực phẩm không phong phú dẫn tới người ăn giảm dần. “Lúc đầu thì để tất cả lên băng chuyền, sau đó các nhà hàng muốn kiếm lời hơn, nhiều món đã được bán riêng; trên băng chuyền chỉ còn chủ yếu là rau, thịt thăn,... ”, một thực khách nhận xét.
Cơn sốt đồ Hàn Quốc
Cũng rộ lên như một mốt thời thượng, mỳ cay 7 cấp độ đua nhau mở. Những quán mì cay kiểu Hàn Quốc mở ra trên nhiều tuyến đường lớn ở TP.HCM sau đó ra Hà Nội và các tỉnh thành khác. Nhằm thu hút khách hàng, các chủ quán mỳ cay liên tục có những chương trình treo giải cho những khách ăn cay tới cấp độ cao nhất như tặng tiền mặt, quà,...
Theo chủ một cửa hàng tại Hà Nội, mô hình này đang hoạt động khá tốt. Giá bán mỗi tô mì là 40.000 đồng, loại đặc biệt có kim chi tôm càng là 79.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, anh bán được khoảng 500 bát. Tuy nhiên, doanh số bán hàng giảm dần, việc kinh doanh thoái trào khi các quán mì cay 7 cấp độ nở rộ.
Ông Hải, chủ một quán ăn Hàn Quốc tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, ban đầu quán của ông mở ra cũng theo trào lưu mỳ cay. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động kinh doanh giảm rõ rệt. Nguyên nhân chủ yếu là vì lạ, khách hàng tò mò ăn thử, còn ăn thường xuyên thì rất ít khách. Gần 4 tháng kinh doanh không đạt, ông đã phải chuyển hướng sang quán nướng theo kiểu Hàn Quốc.
“Món mỳ Hàn chủ yếu là giới trẻ, còn người già và trẻ em ít khi ăn nên để tồn tại được, chúng tôi buộc lòng phải thay đổi thực đơn. Do bán thêm đồ nướng, quán đã phải nâng cấp hệ thống bếp nướng, hút mùi,... chi phí cũng lên tới vài trăm triệu đồng”, ông Hải cho hay.
Mô hình bán đồ ăn theo phong cách Hàn Quốc nở rộ những năm gần đây như một trào lưu, tình trạng sớm nở tối tàn diễn ra thường xuyên hơn. Giới kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM vẫn hay nhắc đến chuyện thua lỗ của chủ chuỗi nhà hàng Hàn Quốc và nhà hàng Nhật Bản trên đường Điện Biên Phủ, từng một thời đình đám ở TP.HCM để minh chứng cho ngành kinh doanh không dễ ăn này.
Thực tế cho thấy, đây không phải là ngành dễ hốt bạc, nhưng vẫn không ít người ném tiền vào. Nhìn vào sự biến đổi hàng ngày có thể thấy cuộc chiến cạnh tranh trong ngành kinh doanh ẩm thực rất gay gắt.