Lộ trình thị trường điện: Còn đó những thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 năm kể từ khi đưa vào vận hành chính thức, thị trường điện (TTĐ) Việt Nam đã có những bước đi ổn định và đúng hướng.

Kiểm tra hệ thống điện tại một trạm biến áp ở quận Cầu Giấy.  Ảnh: Phạm Hùng
Kiểm tra hệ thống điện tại một trạm biến áp ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Năm 2015 sẽ đánh dấu bước phát triển mới của TTĐ cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh... Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), khắc phục những điểm còn hạn chế và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được duyệt.

Đầu xuôi…
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương hoàn thiện Đề án thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015.

Theo Lộ trình xây dựng và phát triển TTĐ cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg), TTĐ tại Việt Nam sẽ phát triển từ cấp độ VCGM sang cấp độ bán buôn điện cạnh tranh và cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh.

Việc vận hành VCGM (được vận hành chính thức từ 1/7/2012) được coi là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, không được phép thất bại vì có thể ảnh hưởng đến an toàn vận hành của hệ thống điện quốc gia. Sau gần 3 năm, thị trường này đã tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện. Điều đó thể hiện qua tính minh bạch trong huy động các nguồn điện tăng, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả, từ đó tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài. Ông Ngô Sơn Hải – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) ghi nhận, kể từ khi chính thức vận hành VCGM đến nay, ngay cả trong những lúc hệ thống điện gặp khó khăn như nhiều lần cắt khí PM3, Nam Côn Sơn, sự cố lưới điện 500kV Bắc – Nam, công tác vận hành vẫn đảm bảo, không để xảy ra tình trạng TTĐ phải ngừng hoạt động cũng như tranh chấp trên TTĐ hoặc tranh chấp thanh toán trên TTĐ.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia thị trường đã từng bước đưa “cuộc chơi” VCGM vào quỹ đạo. Từ chỗ chỉ có một số nhà máy lớn tham gia chào giá, đến nay, số lượng nhà máy tham gia trực tiếp trên thị trường đã lên tới con số hơn 50 đơn vị. Kết quả này không chỉ góp phần mang lại sự sôi động cần thiết, yếu tố cạnh tranh cao cho thị trường, mà còn chứng tỏ tính hấp dẫn của VCGM. Thông qua các “chiến thuật” chào giá hợp lý, nhiều đơn vị có điều kiện nâng được lợi nhuận. Điều đó chứng tỏ hoạt động trên thị trường ngày càng chuyên nghiệp hơn.

…và những thách thức
Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh phải dựa trên những nguyên tắc cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung - cầu điện; Thứ hai, giảm thiểu các chi phí sản xuất, kinh doanh điện năng; Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và cung ứng điện, đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện tự do chọn lựa phương thức mua điện và đối tác bán điện để ký hợp đồng; Thứ tư, loại trừ sự độc quyền trong sử dụng lưới truyền tải, phân phối; tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát triển điện lực; Thứ năm, nâng cao tính an toàn, ổn định trong cung cấp điện và dịch vụ điện; Thứ sáu, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Giá điện là yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường cạnh tranh. Giá điện lại có liên quan đến chi phí về sử dụng các dạng năng lượng sơ cấp. Giá điện tối ưu cho người sản xuất và người tiêu thụ có liên quan trực tiếp đến sử dụng tối ưu các dạng năng lượng sơ cấp trong hệ thống điện và cũng có tác động lớn đến chi phí của giá thành các sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, hoạt động của TTĐ cạnh tranh sẽ mang lại kết quả không nhỏ trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng.

Tuy nhiên, để VCGM trở thành một “sân chơi” thực sự sôi động, cạnh tranh, thu hút tất cả các nhà máy điện trực tiếp tham gia thì phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Hơn 50 đơn vị tham gia hiện tại mới chỉ chiếm gần 43% công suất hệ thống điện. Tỷ lệ chưa cao và tăng chậm sẽ làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành TTĐ. Việc mở rộng đối tượng tham gia VCGM đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu còn lúng túng... Làm thế nào để gia tăng hiệu quả VCGM, tạo động lực cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm thành công trong năm 2015 (năm triển khai tiếp giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh)? Đây là câu hỏi đặt ra cho tất cả các bên liên quan cùng các đơn vị tham gia, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Như vậy có thể thấy, việc triển khai giai đoạn 2 của TTĐ – giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh vẫn còn rất nhiều thách thức. Nhất là đối với việc chuyển từ một đơn vị mua buôn duy nhất như hiện nay (Công ty Mua bán điện) sang nhiều đơn vị mua buôn sẽ phức tạp hơn nhiều. Đặc biệt, tất cả 5 tổng công ty điện lực và các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ có cơ hội tham gia TTĐ bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên TTĐ giao ngay.

Nhiều lợi ích từ thị trường điện

Về lâu dài, khi TTĐ được phát triển lên các cấp độ cao hơn, số lượng các khách hàng tiêu thụ điện có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện sẽ tăng dần lên theo thời gian; tài chính các khâu trong ngành điện được cải thiện. Đặc biệt, giá điện sẽ hình thành hợp lý dựa trên quy luật cung - cầu khách quan, chất lượng cung cấp điện được tăng lên, việc sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn và các khách hàng sử dụng điện sẽ được hưởng các lợi ích khác từ TTĐ cạnh tranh. Chính vì thế, phát triển TTĐ cạnh tranh là mục tiêu chiến lược trong phát triển TTĐ Việt Nam. Phát triển TTĐ cạnh tranh sẽ tạo động lực nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, đồng thời nâng cao tính minh bạch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu hình thành TTĐ ở Việt Nam từ sau 2025 còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng các bộ, ngành, của EVN mà còn của các DN, nhà đầu tư cùng tham gia…
Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam
Phát triển TTĐ tại Việt Nam được xác định qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là một cấp độ như quy định trong Luật Điện lực. Mỗi cấp độ TTĐ sẽ được phát triển qua 2 bước: Bước thử nghiệm và bước hoàn chỉnh. Với các giai đoạn phát triển như trên, lộ trình hình thành và phát triển TTĐ tại Việt Nam như sau:
Giai đoạn 1: Thị trường phát điện cạnh tranh.
Bước 1: Thị trường phát điện cạnh tranh thử nghiệm từ năm 2009 - 2010.
Bước 2: Thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2010 - 2015.
Giai đoạn 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bước 1: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thử nghiệm từ năm 2016 - 2020.
Bước 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2021 - 2025.
Giai đoạn 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bước 1: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thử nghiệm từ năm 2021 - 2025.
Bước 2: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần