70 năm giải phóng Thủ đô

Loại bỏ khai thác nước ngầm: Cần lộ trình cụ thể

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước là câu chuyện đã và đang xảy ra tại không ít nơi trên địa bàn TP Hà Nội. Song, việc dừng khai thác nước ngầm là chuyện không đơn giản, cần được tính toán kỹ lưỡng.

Công nhân vận hành tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều rủi ro 
Theo thống kê, tổng công suất nguồn nước cấp cho TP Hà Nội là trên 1,5 triệu mét vuông/ngày đêm, trong đó, nguồn nước ngầm được khai thác phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân chiếm một phần không hề nhỏ, đặc biệt là các khu vực ngoại thành, nông thôn. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh kết hợp với việc lạm dụng, khai thác quá đà nguồn nước ngầm khiến chất lượng nước ngày càng thấp đi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường sống.

Theo lý giải của các chuyên gia, hiện nay, việc xử lý nước thải truyền thống vẫn chưa thể loại bỏ hết chất nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt của nhà máy, trang trại, hộ gia đình. Mặt khác, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, một lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cũng được đổ thẳng xuống đất. Song, các chất này đều rất khó phân hủy và đôi khi chảy thẳng xuống nguồn nước ngầm, làm suy giảm chất lượng nước. Từ đó, kéo theo hàng loạt những hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường, địa chất…

Tại Hà Nội, theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, nước từ giếng khoan ở các quận như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên… đều có hàm lượng mangan cao hơn so với quy định. Trong khi đó, tại các khu vực phía Nam, Đông và xung quanh Nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai… nguồn nước ngầm cũng chứa hàm lượng amoni cao hơn so với quy định.

Dừng khai thác là cần thiết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, toàn TP có 64 cơ sở cấp nước có công suất thiết kế trên 1.000m3/ngày đêm, hầu hết đều là các cơ sở khai thác nước ngầm, trong đó, gần 40% cơ sở khai thác nước ngầm thường xuyên có chỉ tiêu chất lượng bị phát hiện không đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, 22 cơ sở vẫn còn chỉ tiêu chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn đều là các cơ sở sử dụng nước ngầm. Thứ nhất, các chỉ tiêu không đạt tập trung vào cảm quan như màu, độ đục, sắt, mangan; thứ hai là chỉ tiêu vệ sinh như pH ngắn hạn, nitric, amoni… Thậm chí, còn một vài cơ sở nhiễm kim loại nặng như asen. Theo ông Vũ Kiên Trung - Phó trưởng Khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, qua 4 lần kiểm tra gần nhất, Nhà máy nước Hà Đông cơ sở 2 cung cấp cho khu vực phường Phú La có tới 2 lần không đạt chất lượng, riêng Nhà máy nước Pháp Vân lên đến 3 lần, trong đó phát hiện các chỉ tiêu amoni, asen, pemanganat… đều vượt quy chuẩn cho phép.

Từ những thực tế trên có thể khẳng định, việc loại bỏ nước ngầm là hết sức cần thiết, tuy nhiên, cần phải tính toán kỹ lưỡng và thực hiện theo lộ trình. Nhiều chuyên gia cho biết, theo Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả hai nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Các nhà máy nước ngầm sẽ giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050. “Việc loại bỏ nước ngầm là cần thiết, song để đảm bảo các nhu cầu cấp nước đến năm 2025, TP vẫn cần các dự án như Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 2, sông Hồng, nước mặt Xuân Mai, nước mặt Ba Vì… Các dự án trên không thể hoàn thành trong một sớm một chiều nên việc loại bỏ nước ngầm vẫn phải cần thời gian và lộ trình cụ thể” – một chuyên gia nhấn mạnh.