Người dân đã có ý thức hơn
Những năm trước, rác thải sinh hoạt tại các tổ dân phố, các khu dân cư ở các TP nói chung cũng như ở Hà Nội nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Đi vòng quanh các khu dân cư, nhất là ở các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự… có rất nhiều tụ điểm tập trung rác thải. Ngay cả xung quanh khu vực nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… cũng có điểm tập trung rác. Thậm chí, dưới chân bảng tin của tổ dân phố cũng tập trung rác thải khiến người dân muốn đọc các thông tin trên đó cũng ngại, nhiều sân chơi trong phường bị các hàng quán chiếm dụng. Bên cạnh đó, nhiều người dân có thói quen tùy tiện, tiện đâu vứt rác đấy, thậm chí đã mang rác đến điểm tập kết nhưng không bỏ vào thùng rác mà vứt ở bên ngoài.
Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là ý thức của người dân ngày một được nâng lên, đường phố ngày càng sạch đẹp hơn, vườn hoa được cải tạo, lắp các thiết bị vui chơi cho trẻ em, thiết bị tập luyện cho người cao tuổi... hạn chế sự lấn chiếm của các nhà hàng, quán xá. Toàn hệ thống chính quyền đã vào cuộc, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nghiêm túc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Các chi hội đoàn thể như phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên… hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh môi trường các nơi công cộng. Hội viên các đoàn thể gương mẫu thực hiện, làm gương cho con cháu noi theo, tạo thói quen giữ sạch nhà, sạch phố, không làm mất mỹ quan đô thị. Công nhân môi trường cũng rất tích cực thu rác đúng giờ, dọn dẹp đường phố… Vì vậy, tình trạng mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị đã được cải thiện rõ rệt.Vẫn còn nhiều bất cậpMặc dù công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP đã có sự chuyển biến, song vẫn còn nhiều điểm đáng lưu tâm. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cũng đề nghị phải bố trí thêm thùng rác công cộng. Tuy nhiên, thực tế số lượng thùng rác công cộng chỉ được tăng cường vào các kỳ cuộc, sự kiện lớn, còn bình thường công ty môi trường của TP không có chủ trương tăng thêm số thùng rác, thậm chí sẽ còn giảm đi, số thùng rác hỏng không được thay thế, tiến tới loại bỏ thùng rác công cộng. Lý giải về chủ trương này, công ty môi trường cho rằng là để tiến tới mục đích người dân đi bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế tối đa việc người dân mang rác thải sinh hoạt bỏ ra thùng rác công cộng bất cứ lúc nào. Mục đích là tốt nhưng thực hiện liệu có hợp lý và khả thi không?Vì vậy, muốn thực hiện được chủ trương này, thứ nhất, rác thải phải để trong nhà, bởi nếu để ra cửa nhà mình rất mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị. Chỉ khi nào công nhân môi trường đẩy xe thu gom rác tới mới được đem ra đổ. Khi đó, nhà nào cũng phải có người thường trực ở nhà vào giờ thu gom rác và công nhân của công ty phải thu gom vào đúng thời gian quy định. Việc này đòi hỏi công nhân môi trường phải thu gom rác vào thời gian ngoài giờ đi làm và ít nhất 2 lần/ngày để đáp ứng cho người đi làm ca, kíp.
Trong khi đó, như hiện nay, nhiều nơi các hộ sống trong các khu chung cư cũ chỉ có thể bỏ rác vào xe gom rác của công nhân vệ sinh môi trường vào khoảng 15 giờ 30 phút. Như vậy, những hộ không có người ở nhà thì bỏ rác thải vào đâu?Cùng với đó, một câu hỏi đặt ra, nếu không có thùng rác công cộng, phải giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt phát sinh tại nơi công cộng như thế nào? Chúng ta biết rằng, người đi đường, học sinh khi tan trường… đều có thể sản sinh ra rác thải sinh hoạt. Hiện nay, hầu như các TP trên thế giới đều có thùng rác công cộng, không phải chỉ cho người đi đường, mà còn cả cho các gia đình, thậm chí có nhiều thùng rác sơn các màu khác nhau để người dân tự phân loại trước khi bỏ vào thùng, mỗi loại đều được dùng cho một loại rác nhất định. Bởi vậy, trước những yêu cầu từ thực tế, vẫn nên duy trì thùng rác công cộng bởi những công dụng của nó đem lại.
Để đáp ứng hơn nữa nhu cầu sử dụng, thùng rác công cộng cần được thiết kế một cách hiện đại hơn, thậm chí có thể ngăn được cả mùi hôi thối bốc ra ngoài, có như vậy mới phát huy được hết tác dụng của nó.