Loại bỏ tư duy kinh doanh “chộp giật” trong xuất khẩu gạo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các doanh nghiệp cần chú trọng củng cố mối quan hệ hợp tác với nhau để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá, đồng thời loại bỏ ngay tư duy kinh doanh “chộp giật” trong kinh doanh gạo…” Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu nhấn mạnh như trên tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ  chủ trì, phối hợp tổ chức ngày 4/8 tại TP Cần Thơ.

Xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn 

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết với sản lượng lúa dự kiến cả năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp…

Xuất khẩu gạo đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Xuất khẩu gạo đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Bên cạnh các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.

Tại hội nghị, các ý kiến của các đại biểu đều thống nhất nhận định: Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm 2023 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực cả về lượng và trị giá (tăng 18,7% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ năm trước); đặc biệt đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao ở nhiều thị trường với các chủng loại gạo thơm và gạo chất lượng cao mà ta có thế mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đồng thời dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi.

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo tổ chức ngày 4/8. Ảnh: Tạp chí Công Thương.
Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo tổ chức ngày 4/8. Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Các doanh nghiệp cần bắt tay hợp tác

Chúng ta cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.

Theo đó, cần tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo; và giữa các thương nhân với nhau; để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.

“Thị trường sẽ tự điều tiết, tuân thủ theo quy luật cung cầu, giá cả. Trong bối cảnh đó, phải làm sao để lợi ích hài hòa giữa người sản xuất với người kinh doanh. Rõ ràng giữa các doanh nghiệp với nhau cũng phải có cơ chế hợp tác, liên kết hiệu quả, và ở đây vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam rất quan trọng...” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Các doanh nghiệp cần loại bỏ tư duy "chộp giật" trong kinh doanh gạo.
Các doanh nghiệp cần loại bỏ tư duy "chộp giật" trong kinh doanh gạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cùng với hệ thống dự trữ Quốc gia, 2 Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Miền Nam phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng theo dõi, có cơ chế giám sát đặc biệt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị này để bảo đảm dự trữ thương mại, duy trì nguồn cung và bình ổn giá cho thị trường trong nước, kiểm soát giá gạo xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định, các doanh nghiệp cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

Tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là những thị trường trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng; thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo. Phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh việc cần phải chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá; đồng thời loại bỏ ngay tư duy kinh doanh “chộp giật” trong xuất khẩu gạo.