Chính phủ cần xem xét, có thể kêu gọi toàn dân “chống trì trệ, quan liêu, sách nhiễu như chống giặc” để Việt Nam bứt phá vươn lên. Đó là vấn đề được nhiều ĐB đề cập đến trên nghị trường Quốc hội khi thảo luận về kinh tế - xã hội, đây cũng là những đòi hỏi rất bức thiết từ cuộc sống.
Từ thực tiễn cũng như những thông tin được đưa trong hai ngày Quốc hội thảo luận về tình kinh tế - xã hội có thể thấy, những gì làm được thời gian qua chính là chúng ta đã biến nguy thành cơ như quyết tâm của Chính phủ. Uy tín, thương hiệu của Việt Nam đã chinh phục được cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như các ĐB đã phân tích, đây cũng chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc kinh tế, giúp Việt Nam hóa rồng.
Điển hình như hàng loạt chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành được ví như “máy trợ thở” để hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Các hội nghị, các cuộc đối thoại cũng được tổ chức để lắng nghe DN và có nhiều quyết sách phù hợp nhất. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành gây khó cho DN. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus tham nhũng, trì trệ, vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus corona. Ví dụ như tình trạng DN bị nhũng nhiễu, phiền hà... hay vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng tạo cơ hội cho DN vượt qua khó khăn. Điển hình như chính các ĐB đã phân tích, không ít DN sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm để giải quyết…
Chưa kể đến, những băn khoăn vẫn còn không ít khi việc cổ phần hóa DN còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu, rồi tình trạng nợ đọng văn bản, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tham nhũng, trục lợi chính sách, trật tự an toàn xã hội… cũng khiến các ĐB lo ngại. Bởi những tồn tại này đã diễn ra trong nhiều năm như một căn bệnh kinh niên nhưng thiếu những giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả; những khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt nhưng đâu vẫn vào đấy, thậm chí một số lĩnh vực, những vụ việc phức tạp hơn. Để thành công trong việc chống virus trì trệ này như chính các ĐB phân tích, phải làm bắt đầu từ con người, từ công tác cán bộ.
Để tạo bước phát triển đột phá, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trước hết, đổi mới sáng tạo trong quản lý, thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình, quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào hiệu quả đầu ra. Và như ĐB đã nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo trong kinh tế có nghĩa là phải tìm ra được cách giải quyết vấn đề khác với thông lệ để đạt được kết quả nhanh hơn, hiệu quả cao hơn. Khi đó, không thể có chỗ cho sự trì trệ, vô cảm, lấy quy trình, nguyên tắc làm lá chắn.
Với tinh thần chống dịch Covid-19 như vừa qua, từ nghị trường Quốc hội, các ĐB cũng như người dân đều mong Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đúng như tư tưởng “chống dịch như chống giặc”, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.