Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn giá máy đo nồng độ oxy trong máu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh vào tâm lý của bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà, nhiều đơn vị bán hàng đang rao bán rầm rộ các loại máy đo nồng độ oxy trong máu với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Trong thời điểm hiện nay, những mặt hàng gắn với từ khóa Covid-19 đều được người tiêu dùng săn lùng tìm mua.

Trong đó, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không phải là ngoại lệ. Loại máy này là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.

Ngoài nhà thuốc, cửa hàng vật tư y tế, sản phẩm này đang được chào bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Điều đáng nói, cùng một loại máy nhưng trên thị trường đang có hàng chục thương hiệu khác nhau, khiến người tiêu dùng hoa mắt. Ngoài ra, giá của sản phẩm cũng khá đa dạng, chỉ từ hơn 100.000 đồng đến vài triệu đồng, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Máy đo nồng độ oxy trong máu
Máy đo nồng độ oxy trong máu

Cụ thể, sản phẩm xuất xứ Trung Quốc có giá từ 150.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó, các sản phẩm đến từ một số thương hiệu uy tín như Jziki có giá 450.000 đồng, Beurer PO30 có giá 2,4 triệu đồng, IMediCare 1,2 triệu đồng... Các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị 2 thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm thương hiệu, một số sản phẩm giá rẻ có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Chị Nguyễn Phương Linh - chủ một hiệu thuốc trên đường Tô Hiệu, quận Hà Đông - cho biết, từ khi các ca Covid-19 trong cộng đồng tăng cao, máy đo nồng độ oxy trong máu là một trong những mặt hàng bán chạy nhất của cửa hàng. Có những ngày cao điểm chị bán tới vài chục chiếc.

Chia sẻ về việc giá các sản phẩm chênh lệch nhau khá nhiều, chị Linh giải thích là do có nhiều thương hiệu, tuy nhiên tiền nào của nấy, máy đắt tiền thì độ nhạy cũng cao hơn, chất lượng hơn so với những loại máy vài trăm ngàn đồng. Việc sử dụng thiết bị đo Sp02 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện, đặc biệt những loại máy kém chất lượng.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo, chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng.

Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ Covid-19. Người bệnh vẫn cần theo dõi sát các triệu chứng khác của cơ thể, khi có bất thường nào cần báo nhân viên y tế ngay.

Khi mua, cần chọn loại máy nồng độ oxy trong máu SpO2 phù hợp với mục đích sử dụng. Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau. Bên cạnh đó cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Người dùng có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm: Nhà máy sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác… Tuyệt đối không mua sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường.