Loạn giá trên các gian hàng điện tử

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bị cơ quan chức năng phạt nặng vì lợi dụng dịch Covid-19 để tăng giá bán khẩu trang, gel rửa tay bất hợp lý, nhiều hiệu thuốc không dám nhập mặt hàng này để bán. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân, DN thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) rao bán các mặt hàng phòng dịch giá cao ngất ngưởng.

Nhiều gian hàng của Shopee và Sendo lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa. Ảnh minh họa
Khẩu trang bán giá cao ngất ngưởng
Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên đã vào một số trang TMĐT như Shopee, Lazada, Sendo... và nhận thấy khẩu trang y tế được rao bán rất nhiều. Nhiều shop rao bán khẩu trang y tế 3 lớp cam kết đúng giá quy định 35.000 đồng/hộp/50 cái. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt mua đều nhận được câu trả lời... hết hàng hoặc nhận được tin nhắn muốn mua phải trao đổi trực tiếp bằng tin nhắn cho chủ shop. Khi phóng viên inbox với chủ shop mới biết giá bán khẩu trang thực tế dao động từ 5.000 - 13.000 đồng/chiếc. Đặc biệt, người bán tách bán lẻ 1 túi 5 chiếc hoặc 10 chiếc thay vì cả hộp 50 chiếc như bình thường, như vậy nếu mua nguyên hộp giá bán từ 250.000 - 650.000 đồng.
Cụ thể, trên sàn giao dịch TMĐT Lazada, một gian hàng rao bán khẩu trang y tế hiệu Perfectta Ultra 35 chiếc có giá đến 430.000 đồng. Còn trên Shopee, một cá nhân ghi địa chỉ tại Hà Nội rao bán khẩu trang y tế 4 lớp kháng khuẩn giá 65.000 đồng/túi 10 cái. Nhưng có cá nhân khác địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh "hét giá" lên 90.000 đồng/túi 10 cái... Như vậy, so với giá thông thường, giá bán khẩu trang y tế trên các sàn đã tăng từ 6 - 15 lần. Trong khi đó, các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng được shop online cũng rao bán với giá dao động 4.000 - 35.000 đồng/chiếc, trong đó nhiều sản phẩm không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất.
Xử lý gần 14.000 gian hàng vi phạm
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết: Tính đến ngày 23/3, trên các sàn TMĐT, đơn vị đã xử lý gần 14.000 gian hàng và gần 30.000 sản phẩm vi phạm. Riêng từ ngày 16 - 23/3, sàn TMĐT Shopee.vn đã xử lý khoảng 2.200 gian hàng và khoảng 2.600 sản phẩm khẩu trang y tế, dung dịch, gel rửa tay khô. Sàn TMĐT Sendo.vn đã xử lý khoảng 430 gian hàng và khoảng 520 sản phẩm khẩu trang, dung dịch, gel rửa tay khô. Một số sàn TMĐT khác đã xử lý gần 330 gian hàng và gần 630 sản phẩm khẩu trang và dung dịch, gel rửa tay khô.
Thực tế, nhiều sàn TMĐT đã phối hợp với Bộ Công Thương rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường. Đồng thời chủ động rà soát và gỡ bỏ sản phẩm, hàng hóa đăng bán có mức giá cao bất thường so với giá trên thị trường liên quan đến khẩu trang.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng để xử lý triệt để các vi phạm ngành công thương cũng gặp không ít khó khăn do các quy định chưa theo kịp thực tế. Để quản lý TMĐT, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện một số quy định không còn phù hợp do hoạt động TMĐT thay đổi liên tục và phát tiển mạnh đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp thực tế. Vì vậy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đề xuất, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý trên internet, nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế trong việc xử lý. Trong đó, chú trọng tăng nặng việc xử phạt vi phạm hành chính như: Dừng cấp tên miền; ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán...
Cục QLTT TP Hà Nội đã ký kết với 2.575 hộ kinh doanh thiết bị y tế về việc không tăng giá bán các loại vật tư y tế thiết yếu trong phòng chống dịch Covid–19. Đồng thời, kiểm tra 242 cơ sở kinh doanh mặt hàng y tế có dấu hiệu sai phạm và đã tịch thu gần 737.000 khẩu trang và hơn 8.000 chai gel nước sát khuẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Chu Xuân Kiên