Loạn giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi số lượng người được tiêm vaccine trong nước gia tăng, cũng là lúc nhiều cơ sở tiêm chủng cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 cho người tiêm mũi 1, mũi 2... Tuy nhiên, về hình thức và nội dung của tờ giấy này còn bỏ ngỏ, vì mỗi nơi cấp mỗi kiểu…

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân mỗi người dân và cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo việc cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 chưa có giá trị nhiều trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì lúc này, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1, phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2, từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60 - 90% tùy theo loại vaccine”, bác sĩ Lê Quốc Hùng phân tích.
 Công tác cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 còn manh múng, mỗi nơi một kiểu
Bác sĩ Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, tức là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
Vì vậy, dù có được tiêm vaccine Covid-19, người được tiêm vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Khẳng định việc cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 là việc chắc chắn phải làm, tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, cần phải hướng đến việc cấp giấy theo một mẫu chung do Bộ Y tế hướng dẫn. Điều này giúp công tác quản lý, phân loại, nhận biết người đã tiêm chủng vaccine Covid-19 trở nên dễ dàng, đồng thời ngăn chặn tình trạng làm giấy tờ giả, qua mặt cơ quan quản lý nhà nước.
“Nếu có thể, nên làm giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 có mã QR. Đầy đủ các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ người được tiêm chủng, cũng như ngày tiêm chủng mũi 1 và mũi 2… bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Như vậy, sẽ thuận lợi cho người dân nếu sau này họ có nhu cầu đi du lịch hay công tác ở nước ngoài”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.
Chưa kể, nếu quét mã QR, người được tiêm chủng có thể lưu dữ liệu trên điện thoại di động thông minh của mình. Vừa dễ dàng bảo quản, vừa tiện lợi khi sử dụng.
Đồng quan điểm với bác sĩ Hùng, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, người dân không nên kỳ vọng quá nhiều vào vào ý nghĩa của giấy chứng nhận sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19.
“Sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 vaccine Covid-19 và được các cơ sở tiêm chủng cấp giấy chứng nhận, nhiều người dân vui mừng chụp hình đăng facebook, và mặc nhiên cho rằng mình miễn nhiễm với Covid-19. Tuy nhiên, điều này là không có cơ sở. Để an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng thì thực hiện song song việc tiêm chủng vaccine Covid-19 và Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tôi hi vọng, trong thời gian tới, khi tình hình dịch được kiểm soát, Bộ Y tế sẽ sớm có phương án về hộ chiếu vaccine”, vị này kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần