Loạn thị trường hàng xách tay

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tâm lý sính hàng ngoại giá rẻ, nhiều người tiêu dùng (NTD) thích mua hàng hiệu vận chuyển về Việt Nam theo hình thức xách tay, trốn thuế nhập khẩu… gây thất thu thuế và khó kiểm soát thị trường.

 Mỹ phẩm xách tay bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội.
Rẻ hơn hàng nhập chính hãng
Trước kia, NTD muốn sở hữu hàng hiệu do nước ngoài sản xuất chỉ trông chờ vào nguồn do tiếp viên hàng không, người thân mang về theo diện hành lý cá nhân. Nhưng hiện nay, có thể dễ dàng mua hàng xách tay đủ chủng loại nhãn mác, xuất xứ, giá cả như sữa Meiji (Nhật Bản), mỹ phẩm L’oreal (Hàn Quốc), Nivea, Olaz (Đức)… trên các trang mạng xã hội hoặc các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xách tay.

Phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) được mệnh danh là “Thủ phủ hàng xách tay”. Theo khảo sát của phóng viên tại đây, mặt hàng được bày bán nhiều nhất là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu…
Khi được hỏi vì sao lại thích mua hàng xách tay chứ không mua sản phẩm nhập khẩu chính hãng, NTD đều có chung câu trả lời là do giá bán rẻ hơn hàng nhập khẩu, bởi được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân không phải đóng thuế. Chẳng hạn, một hộp kem nền BB Cushion của hãng Laneige bày bán tại siêu thị Lotte Mart có giá 930.000 đồng/sản phẩm, thì hàng xách tay cùng loại chỉ 710.000 đồng, lại được giao hàng miễn phí tận nơi.

Đại diện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên phố Thái Hà cho biết: Những chiếc điện thoại xách tay tùy thương hiệu cũng như phân khúc thường rẻ hơn hàng nhập chính hãng đến vài triệu đồng. Chẳng hạn, iPhone 8 loại 64 GB xách tay từ Malaysia chỉ là 17,5 triệu đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng bán tại FPT Shop lên đến 20,9 triệu đồng. Tâm lý sính hàng ngoại giá rẻ đã giải thích lý do vì sao các cửa hàng kinh doanh đồ xách tay liên tục xuất hiện.

Siết chặt quản lý

Hàng xách tay về Việt Nam chủ yếu dưới dạng hành lý ký gửi cùng người nhập cảnh, được miễn thuế trị giá không quá 10 triệu đồng. Ngoài lãi nhờ “né” thuế, các chủ hàng thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mại tại nước ngoài để tranh thủ “ôm” hàng về nước bán lẻ. Tuy nhiên, theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, trong khoảng 7 - 10 năm nữa, khi CPTPP có hiệu lực và 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0%, NTD hoàn toàn có thể mua được mỹ phẩm, đồ ăn từ 11 nước ký kết hiệp định mà không phải chịu thuế. Có nghĩa là NTD Việt Nam hoàn toàn có thể mua được "hàng hiệu" giá rẻ và luôn đảm bảo chất lượng. Thị trường hàng xách tay sớm muộn không còn chỗ đứng.

Theo Bộ Tài chính, hàng hóa và hành lý ký gửi của người nhập cảnh mang theo thời gian qua khá đa dạng. Nhiều loại sản phẩm nhỏ lẻ, nhằm mục đích sử dụng cá nhân, không kinh doanh và nằm trong định mức được miễn thuế. Tuy nhiên, có hành khách lợi dụng “lỗ hổng” pháp luật để gian lận và trốn thuế. Chẳng hạn, khi iPhone ra sản phẩm mới, dân buôn hàng xách tay sang nước ngoài mua sau đó đưa về Việt Nam dưới danh nghĩa tư trang cá nhân.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ: Công Thương, Y tế, NN&PTNT, KH&CN, Công an… tăng cường giám sát, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý số, tuyên truyền cho NTD Việt thay đổi quan điểm về hàng xách tay. Đồng thời sửa đổi chính sách, quy định cụ thể các mặt hàng được miễn thuế. Ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường quản lý kiểm tra và xử phạt các trường hợp hàng hóa xách tay không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ bày bán trên thị trường.
Nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, trốn thuế, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc hàng hóa xách tay là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích chưa qua kiểm định nhưng được bày bán công khai trên thị trường với số lượng rất lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe NTD và gây thất thu ngân sách.