70 năm giải phóng Thủ đô

Loạt cơ sở giết mổ gia súc lớn tạm dừng hoạt động, Hà Nội tìm phương án sớm ổn định tình hình

Phương Nga - Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và TP thực hiện giãn cách xã hội, khiến hàng loạt cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm trên địa bàn TP phải tạm dừng hoạt động. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, mà còn gây bất ổn thị trường, đòi hỏi cơ quan chuyên môn cần sớm có phương án trong tình hình mới.

Hàng loạt cơ sở tạm dừng hoạt động
Theo báo cáo của UBND xã Vạn Phúc (Thanh Trì), từ tối ngày 29/8, CSGM lợn tập trung do Công ty CP Thịnh An là chủ đầu tư (lò mổ Vạn Phúc) trên địa bàn xã phải tạm ngừng hoạt động, cho đến khi cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan theo đề nghị hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân tạm dừng hoạt động do công ty chưa thực hiện nghiêm túc một số yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và một số quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Thanh Trì Nguyễn Khả Khoa cho biết: “Lò mổ Vạn Phúc là một trong những CSGM tập trung lớn nhất của TP. Trước khi tạm dừng hoạt động, trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 1.300 – 2.000 con lợn, cung cấp cho thị trường TP. Việc lò mổ tạm dừng hoạt động dẫn tới thiếu hụt khoảng 30% tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm có kiểm soát cung cấp hàng ngày cho TP, trong đó sản lượng thịt lợn có kiểm soát giảm 55,8%)”.
 Lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo yêu cầu phòng dịch Covid-19
Trước đó, ngày 7/8, UBND huyện Thanh Oai cũng ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của CSGM gia súc Minh Hiền (1 trong 7 CSGM công nghiệp lớn nhất TP), do công ty chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp phòng dịch “5K”; chưa xây dựng phương án cụ thể đảm bảo phòng phòng, chống Covid-19 tại DN; chưa thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, quản lý, kiểm soát người ra vào, người mua hàng của công ty. DN chỉ khôi phục sản xuất trở lại khi bảo đảm phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tính từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay (24/7), trên địa bàn TP đã có 41/106 CSGM gia súc, gia cầm có kiểm soát phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 38,70%). Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở không đáp ứng được điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định trong đợt giãn cách xã hội. Điều này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật ra thị trường. Tổng số lượng động vật đưa vào giết mổ giảm 13,14% (trong đó sản lượng lợn giảm 55,8%; gia cầm giảm 11,30%); sản lượng động vật được kiểm soát giết mổ giảm 31,45%; tổng số động vật qua kiểm dịch giảm 38,73%; lượng sản phẩm động vật qua kiểm dịch giảm 8,97%.
“Việc các CSGM tập trung phải dừng hoạt động không chỉ gây thiếu hụt cục bộ lượng sản phẩm động vật ra thị trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động giết mổ, gia súc gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ chui. Mặt khác, nếu kéo dài sẽ gây bất ổn thị trường, giá cả sản phẩm tăng” – ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở nâng giá sản phẩm
Hiện nay, trên thị trường đang có thông tin một số CSGM lợi dụng tình hình để tăng giá sản phẩm. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội) Đào Quang Vinh khẳng định, giá thịt lợn của công ty xuất ra ổn định hơn 2 tháng nay. Hiện, công ty chỉ xuất hàng cho một số siêu thị như Aeon, MegaMarket, BigC... Do đó giá cả được ký hợp đồng ổn định, nên không có chuyện lợi dụng tăng giá trong thời điểm này.
Qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn Hà Nội ngày 31/8 cho thấy, giá thịt lợn khá ổn định, tại một số chợ có tăng nhẹ theo biến động thị trường. Chị Bùi Thị Huyền, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bông Đỏ, Hà Đông cho hay: “Hiện nay giá thịt lợn tại chợ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định khoảng 3 tuần nay. Do giãn cách, người dân đi chợ bằng phiếu nên lượng hàng tôi bán ra giảm 1/3 so với trước đây”.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 CSGM công nghiệp
Tại chợ Kim Liên, Nam Đồng (quận Đống Đa), giá bán mặt hàng thịt lợn không tăng giá so với tuần trước. Hiện, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, thịt thăn 140.000 đồng/kg, dọi quế 160.000 đồng/kg, thịt mông 140.000 đồng/kg, nạc vai, bắp chân giò 150.000 đồng/kg, sườn thăn 180.000/kg.
Tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng không xảy ra hiện tượng tăng giá bán mặt hàng thịt lợn. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, đơn vị không nhận được yêu cầu tăng giá bán thịt lợn từ các nhà cung cấp, những đơn vị này đã cam kết giữ nguyên giá bán cho siêu thị từ nay đến hết khi TP Hà Nội bỏ giãn cách xã hội.
Trước việc một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải dừng hoạt động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng thông tin, để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, NN&PTNT và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của thương lái, nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn.
Bên cạnh đó, lực lượng tăng cường kiểm tra tại đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, chú trọng các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp. “Lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ. Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý về giá, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng phải thực hiện kê khai giả, niêm yết giá; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với mặt hàng thực phẩm, y tế. Với những trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật” - ông Nguyễn Minh Hùng nói.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin, với chức năng đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị sẽ tổ chức làm việc với lò mổ, doanh nghiệp cung ứng thịt cho thị trường Hà Nội, từ đó xác định lý do những đơn vị này tăng giá bán. Nếu “đầu vào” tăng cao, Sở Công Thương Hà Nội sẽ thực hiện việc kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ có nguồn hàng ổn định, giá rẻ.
Sớm ổn định tình hình
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 CSGM công nghiệp (tại huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm); 58 cơ sở bán công nghiệp; 673 CSGM thủ công. Hiện nay các CSGM công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất (một số cơ sở chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế). Do đó, để đảm bảo lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường, giải pháp trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung phương án đưa về các CSGM có đủ điều kiện giết mổ, yêu cầu những cơ sở này tăng công suất để bù đắp lượng thực thịt thiếu hụt hàng ngày.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các CSGM đang thực hiện "3 tại chỗ", do đó thiếu hụt về công nhân, nên việc tăng năng suất của các cơ sở đang khá khó khăn trong thời điểm này. Do đó, đề nghị các huyện, thị xã có CSGM thời gian qua phải tạm dừng hoạt động, cần huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo có phương án giết mổ đúng quy đinh được chính quyền phê duyệt chấp thuận hoạt động trở lại. Ngoài ra, TP cũng bổ sung thêm nguồn thịt lợn nhập khẩu. Trong giai đoạn giãn cách này, Hà Nội nhập khoảng 200 - 400 tấn thịt lợn/ngày để cung cấp ra thị trường tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Đăng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các chốt kiểm dịch Covid-19 kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập tại các lò mổ trên địa bàn TP linh hoạt, thuận lợi, nhanh chóng. Cấp chính quyền tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các CSGM. Tiếp tục duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch y tế ở ngay cơ sở hoặc vòng ngoài CSGM để siết chặt quản lý người ra, vào, nhất là các CSGM tập trung. Đảm bảo ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho các lực lượng hoạt động tại CSGM, các chủ hộ kinh doanh, vận chuyển để tạo miễn dịch chủ động.
Đối với các CSGM tập trung lớn (tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Đông Anh, Ga Lâm ...) đảm bảo nghiêm ngặt phương án hoạt động đã được chính quyền địa phương phê duyệt chấp thuận. Tạo điều kiện tốt nhất để phương án "3 tại chỗ" được thực hiện phù hợp với từng cơ sở (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ sở). Đối với cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, cần tiếp tục kiểm tra, giám sát tại lò mổ, các chốt kiểm dịch gia súc, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông đến cơ sở giết mổ. Đảm bảo lực lượng tham gia hoạt động kiểm soát tại tất cả các cơ sở giết mổ tập trung, bố trí kịp thời đối với các trường hợp cán bộ trong quá trình thực hiện không may bị nhiễm bệnh trong cộng đồng buộc phải cách ly. Tăng cương tuyên truyền để các lực lượng tham gia tại các CSGM chủ động sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mọi lúc mọi nơi để hạn chế thấp nhất bị lây nhiễm bệnh.