Kỳ 1: Chênh chao giữa dòng nước lũ
Sau đợt mưa lớn từ ngày 17-21/7/2018, mực nước sông Bùi dâng cao khiến vùng phân lũ ngoại thành Hà Nội bị ngập trên diện rộng. “Thủy tặc” chưa kịp đuối sức, ngày 29/7/2018, lũ rừng ngang lại xối xả tràn về, khiến vùng lũ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhất là xã Nam Phương Tiến ngập nặng kỷ lục suốt một tháng. Đời sống của bà con đã khối khó, nay lại thêm muôn phần chênh chao.
|
Xã Nam Phương Tiến là một trong những xã của huyện Chương Mỹ bị ngập nặng nhất. Có khoảng 1.200 hộ dân trong xã bị ảnh hưởng bởi nước lũ, chiếm 50% tổng số hộ. Những ngôi nhà mái ngói, mái tôn, mái bằng, nhẹ thì ngập đến thềm, nặng thì lút mái. |
|
Giao thông đường bộ tại các thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài… gần như tê liệt hoàn toàn, người dân phải di chuyển bằng thuyền thúng hoặc những chiếc phao tự chế. Người già và trẻ nhỏ đều phải đi sơ tán, chỉ còn một số rất ít bám trụ lại để trông coi đồ đạc, chăm sóc vật nuôi. |
|
Lúa, gạo, quần áo, giường, tủ và nhiều đồ vật trong nhà không thể di chuyển kịp, người dân đành để mặc cho nước lũ xâm hại. Gia súc, gia cầm chết dần, chết mòn vì nước bẩn, không có thức ăn. Bởi vậy, người dân phải bán non hoặc cho đi sơ tán; thậm chí, ở cùng với chủ hoặc treo lủng lẳng lên thân cây cao hay nóc nhà. |
|
Thủy sản, hoa màu, cây ăn quả vùng bị ngập gần như mất trắng. Nhiều gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. |
|
Một số ít người dân ở xã Nam Phương Tiến đan cói thuê trong lúc chưa thể trồng trọt, chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, làm nghề này thu nhập không đáng kể, 1 sản phẩm mất 1,5 ngày mới hoàn thành chỉ có thù lao khoảng 120.000 đồng. |
|
Ban đêm, những hộ bị ngập lụt phải nhờ vào ánh nến leo lắt để quan sát, sinh hoạt. |
|
Đằm nước bẩn trong nhiều ngày, một số người dân mắc các bệnh đau mắt, tiêu chảy, nước ăn chân… |