Nhiều hệ lụy
Thời gian qua, tình trạng bãi xe không phép mọc trên đất nông nghiệp, đất dự án chưa triển khai, hay đất lưu không diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội. Nguyên nhân chính do nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân quá lớn, trong khi hạ tầng giao thông tĩnh của TP mới chỉ đáp ứng được từ 10 - 15% thực tế. Nhiều khu đô thị (KĐT), khu dân cư thậm chí còn không có hạ tầng giao thông tĩnh, buộc người dân phải gửi xe vào các bãi trông giữ tự phát với giá đắt mà không bảo đảm an toàn.
Việc cấp phép tạm sẽ giúp TP thu về một khoản thuế, phí không nhỏ. Hiện, Hà Nội còn tới vài triệu phương tiện có nhu cầu đỗ, gửi đang trôi nổi vào các bãi tự phát, nếu thu được thuế từ đây sẽ bổ sung đáng kể cho ngân sách, có thêm nguồn lực tái đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành |
Đơn cử, tại các khu vực bán đảo Linh Đàm, KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 (Hoàng Mai); KĐT Việt Hưng (Long Biên)… Chính quyền sở tại rất “đau đầu” với tình trạng xe cộ đỗ tràn lan, tùy tiện, bãi trông giữ không phép mọc lên nhan nhản, dẹp rồi lại tái phạm, bất chấp các hình thức xử phạt. Đại diện UBND phường Hoàng Liệt dẫn chứng: “Ví dụ như các khu dân cư do HUD (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) xây dựng tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, hay bán đảo Linh Đàm hoàn toàn không có điểm trông giữ xe ô tô, buộc người dân phải đỗ trên vỉa hè, lòng đường”. Từ đây, xuất hiện tình trạng trông giữ xe không phép, tự ý thu tiền quá giá, dù lực lượng chức năng có dẹp bao nhiêu lần cũng vẫn cứ tái diễn năm này qua năm khác.
Mặt khác, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 Trần Văn Bính cho biết thêm, nhiều bãi trông giữ xe không phép còn khiến người dân bức xúc. “Bởi có những điểm trông giữ thay vì phục vụ người dân địa phương lại cho đỗ toàn xe tải, xe khách, gây mất an ninh, trật tự trong khu vực”.
Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Việc để tồn tại các bãi xe tự phát vừa khiến TP thất thu một khoản thuế không nhỏ, vừa là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự đô thị. Người dân đối diện với rủi ro khi gửi xe vào các bãi tạm, quản lý lỏng lẻo, xảy ra mất mát, hư hỏng cũng khó lòng được pháp luật bảo vệ”.
Xem xét cấp phép để quản lý
Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết nhu cầu trước mắt, Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác trên cả nước cần tính tới khả năng cấp phép cho các bãi trông giữ xe tạm. Hiện 12 quận của Hà Nội còn tồn tại hàng trăm lô đất dự án chưa triển khai, đất lưu không; nhiều khu vực vỉa hè lòng đường khá rộng có thể sử dụng một phần cho việc trông giữ phương tiện.
Nhiều địa phương cũng đã bày tỏ mong muốn được cấp phép cho những bãi trông giữ xe tạm tại các vị trí nêu trên. Việc cấp phép sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề thực tại cho khu vực trung tâm TP, nơi tập trung đông đúc dân cư nhất. Ông Phan Trường Thành lý giải, cấp phép tạm là một hình thức quản lý của chính quyền sở tại. Để được cấp phép, các cá nhân, tổ chức phải chứng minh được năng lực của mình, qua đó có thể lựa chọn đơn vị trông giữ xe bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội cần có các quy định cụ thể đối với loại hình trông giữ xe này nếu cấp phép hoạt động. Phải bảo đảm các bãi trông giữ xe thuộc diện đặc thù, bảo đảm quy hoạch giao thông tĩnh chỉ để phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân, không để biến tướng thành kho hàng, bến “cóc”, sinh lợi cho cá nhân.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bính nêu kiến nghị: “Việc cấp phép các bãi trông gữi xe tạm cho khu dân cư là rất cần thiết và nên giao cho các cụm dân cư giám sát, phối hợp thực hiện để bảo đảm người dân được lợi mà TP cũng được lợi”.