Tuy nhiên, những báu vật quốc gia này chủ yếu vẫn được cất vào kho, trong khi theo kinh nghiệm của ông Antonia Heredia - cán bộ lưu trữ người Tây Ban Nha: "Biến công tác bảo quản thành một dịch vụ có lợi nhuận là một việc làm cần thiết giúp người bảo quản lựa chọn những tài liệu thực sự có giá trị sử dụng".
Lúng túng trong quảng bá
4 tư liệu Việt Nam được công nhận là DSTL thuộc chương trình ký ức thế giới của UNESCO gồm: Mộc bản triều Nguyễn (2009), 82 bia đá tiến sĩ triều Lê - Mạc (2010), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014). Hầu hết các đơn vị quản lý DSTL thế giới này gìn giữ di sản ở góc độ bảo tồn, lưu trữ, chưa tìm ra giải pháp quảng bá, giới thiệu giá trị đến đông đảo công chúng cũng như bạn bè thế giới. 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau gần 4 năm được công nhận, nhưng sự hiểu biết của khách tham quan chỉ là để… xoa đầu rùa mong đỗ đạt. Thay vì tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giới thiệu giá trị của bia đá tiến sĩ, người làm công tác bảo quản lại phải dồn tâm trí tìm biện pháp ngăn cản hành động thái quá của du khách. Và một hàng rào sắt được dựng lên tạm thời tại khu bia đá tiến sĩ không chỉ làm giảm đi không gian đặc biệt của di sản, mà còn cho thấy công tác bảo tồn gặp khó khăn.
Một số đơn vị khác như Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV - nơi lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II - nơi lưu trữ Châu bản triều Nguyễn vẫn hiểu rằng, cất di sản vào kho chính là kìm hãm di sản. Vì thế mấy năm gần đây, các đơn vị này đã lên kế hoạch, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và biên soạn, xuất bản các ấn phẩm liên quan. Đồng thời, tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu, tổ chức hội thảo, xây dựng một không gian riêng cho Châu bản, Mộc bản để giới nghiên cứu và những người quan tâm có thể tiếp cận. Tuy nhiên, nhiều chương trình mới chỉ là kế hoạch, có chương trình được triển khai nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Việc tiếp cận mới chỉ dừng lại ở con số ít các nhà khoa học, chưa góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia và giúp các nhà nghiên cứu, công chúng biết và hiểu giá trị DSTL này nhiều hơn.
Học gì từ Hàn Quốc?
Hàn Quốc sở hữu 7 DSTL thế giới nên chính phủ nước này đặc biệt quan tâm quảng bá di sản như một phần quan trọng của Sáng kiến xây dựng thương hiệu quốc gia. Chính phủ đầu tư và giao cho các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các DSTL bị phân tán; xây dựng dữ liệu và cung cấp các dịch vụ trực tuyến qua các trang web của từng loại DSTL; tổ chức các sự kiện trưng bày, lễ hội để kỷ niệm và phát huy giá trị của di sản; phát hành các sản phẩm văn hóa khác nhau bằng cách cung cấp sản phẩm có nguồn gốc từ các tài liệu lưu trữ cổ. DSTL của Hàn Quốc không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, mà còn góp phần quảng bá cho hình ảnh quốc gia. Bộ phim truyền hình nổi tiếng "Nàng Dae Jang - geum" của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên câu nói của vua Jeongjong: "Không ai hiểu bệnh của ta hơn Jang - geum", trích từ Biên niên sự kiện triều đại Joseon - một trong 7 DSTL được UNESCO công nhận.
Nhìn từ kinh nghiệm của người Hàn Quốc mới thấy, quảng bá DSTL xem ra vẫn là cụm từ xa lạ với người làm di sản ở Việt Nam. Chính vì vậy, theo bà Dianne Mary Macaskill - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới New Zealand - Phó Chủ tịch Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP): "Việt Nam cần phải có kế hoạch, chiến lược và được tổ chức hoàn thiện, cẩn thận để xác định xem tư liệu, di sản nào quan trọng cần được ưu tiên quan tâm hơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Liên kết tốt hơn tới các quốc gia có DSTL để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau".
Việc học hỏi Hàn Quốc hay Tây Ban Nha chắc chắn là điều cần thiết, mang lại cho Việt Nam những gợi ý ban đầu để phát huy những DSTL quý. Hy vọng, trong thời gian tới, DSTL thế giới tại Việt Nam sẽ không còn ngủ yên trong kho lưu trữ, mà được đánh thức tiềm năng, được quảng bá đúng với giá trị để góp phần tôn vinh hình ảnh quốc gia.
Bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di sản văn hóa của Việt Nam. Ảnh: Văn Phúc
|