70 năm giải phóng Thủ đô

Loay hoay giải bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhưng lại chỉ tự chủ được khoảng 37%, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, ngành sản xuất TĂCN nước ta đã phải chi tới gần 3,7 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong đó, chi gần 2,7 tỷ USD để nhập ngô và đậu tương. Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và căng thẳng giữa Nga – Ukraine, giá thành nguyên liệu TĂCN tăng cao chót vót gần 2 năm nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN tăng cao. Tuy nhiên, từ tháng 7/2022 đến nay, giá nguyên liệu TĂCN có xu hướng giảm nhẹ. Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0,4%); dinh dưỡng gia súc 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).

Với đà giảm này, đại diện Cục Chăn nuôi dự báo rằng, trong 5 tháng cuối năm, giá một số nguyên liệu chính sản xuất TĂCN có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực, cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm TĂCN.

Việt Nam đã chủ động được công nghệ, có năng lực sản xuất TĂCN đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, tăng trưởng bình quân từ 13 - 15%/năm. Nhưng sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là vấn đề đau đầu đối với các DN sản xuất TĂCN. Theo các chuyên gia, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu trong ngắn hạn là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Bởi suốt 10 năm qua, trong Đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT định hướng chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác những loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng cây phục vụ nguyên liệu TĂCN. Đồng thời chú trọng nghiên cứu giống ngô, giống đậu tương để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, thực tế đến nay diện tích và sản lượng các loại cây này không tăng lên.

Trao đổi về tình trạng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN quá cao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.

Để giải bài toán trước mắt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo, ngành chăn nuôi trong nước cần nghiên cứu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành TĂCN, tuyên truyền cho người chăn nuôi thay thế một phần bằng những phụ phẩm sẵn có ở địa phương như bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT và các ngành chức năng vẫn đang chỉ đạo phát triển xây dựng vùng nguyên liệu TĂCN để chủ động một phần.