Loay hoay thực hiện quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm (GSGC) có năng lực hoạt động nhưng không nằm trong quy hoạch, ngược lại có CSGM nằm trong quy hoạch nhưng không đáp ứng được yêu cầu.

Đó là một thực tế đáng băn khoăn trong việc thực hiện quy hoạch giết mổ GSGC trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay.
Cơ sở giết mổ công nghiệp Minh Hiền (Thanh Oai). 	Ảnh: Quang Thiện
Cơ sở giết mổ công nghiệp Minh Hiền (Thanh Oai). Ảnh: Quang Thiện
Chuyển biến chậm

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 6 CSGM công nghiệp, trong đó có 3 cơ sở đã ngừng hoặc chưa hoạt động, chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động là Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín), Công ty CP Việt Nam (Chương Mỹ), Công ty CP Đông Thành (Đông Anh). Tuy nhiên, công suất thực tế của các CSGM này đang vận hành khá thấp, khoảng gần 60 tấn thịt/ngày. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP hiện có 14 CSGM tập trung bán công nghiệp với sản lượng đạt khoảng hơn 160 tấn thịt/ngày và 5 CSGM tập trung thủ công đang hoạt động, công suất đạt gần 100 tấn/ngày. Với công suất như vậy, mới có khoảng 44% sản phẩm giết mổ trên địa bàn TP được kiểm soát. Còn lại số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh ATTP và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ 56% (2.490 điểm).

 Có thể nói, con số 44% sản phẩm giết mổ được kiểm soát đã tăng đáng kể so với thời điểm trước khi triển khai quy hoạch hệ thống CSGM trên địa bàn TP. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, nhất là các tỉnh phía Nam thì Hà Nội vẫn còn thua kém. Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, các CSGM công nghiệp cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Để hoạt động hiệu quả, bản thân các cơ sở này phải có chuỗi khép kín từ đầu vào đến phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện các CSGM công nghiệp chưa làm được điều này nên khó cạnh tranh được với các CSGM nhỏ lẻ. Điều đáng nói, số lượng CSGM được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP còn thấp do CSGM đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, VSMT và đáp ứng về công suất nhưng không nằm trong quy hoạch giết mổ của TP hoặc của UBND các huyện, thị xã. Trong khi đó, CSGM nằm trong quy hoạch của TP hoặc của huyện, thị xã nhưng không đủ công suất giết mổ hoặc không được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

Quyết liệt xóa cơ sở nhỏ lẻ

Kiểm soát giết mổ GSGC là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo ATTP đối với sản phẩm thịt. Nhằm từng bước quản lý tốt hoạt động này, từ năm 2012, UBND TP đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống CSGM, chế biến GSGC trên địa bàn TP đến năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch vẫn còn chậm trễ và bất cập, chưa xóa bỏ triệt để được các CSGM nhỏ lẻ trong khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đã triển khai vận động, mời các hộ giết mổ nhỏ lẻ tới thăm CSGM công nghiệp nhưng các hộ này vẫn không vào. Các lực lượng chức năng của huyện có kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn tái diễn. "Nguyên nhân một phần do cán bộ chưa quyết liệt, một phần cho chế tài xử phạt hiện nay vẫn còn những bất cập cần sửa đổi" - ông Đức cho hay. Rõ ràng, số CSGM công nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, công suất thấp so với thiết kế chiếm tỷ lệ cao đang gây lãng phí tài sản của Nhà nước và DN. Theo đại diện một số địa phương, việc bố trí quỹ đất, nguồn vốn, GPMB để đầu tư xây dựng các CSGM tập trung, bán công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới cần phải có chính sách tháo gỡ của TP cũng như các sở, ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh số CSGM nhỏ lẻ ở ngoại thành còn nhiều như hiện nay, TP cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng các CSGM tập trung như cơ sở Thịnh An (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì). Có như vậy mới dần xóa bỏ được CSGM nhỏ lẻ, thủ công.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác quản lý giết mổ, phòng chống dịch bệnh GSGC trên địa bàn TP ngày 15/7, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt khẳng định, ATTP, vệ sinh thú y, giết mổ là vấn đề được người dân, cử tri rất quan tâm. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, Sở NN&PTNT cùng các huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm CSGM thủ công và có cơ sở thay thế phù hợp. Đồng thời tăng cường nâng cao công suất, cải tiến kỹ thuật của các CSGM tập trung, bán công nghiệp để từ đó thu hẹp các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần