10 năm vẫn chỉ... lắp ráp!
Tại Diễn đàn quốc tế về Phát triển công nghiệp hỗ trợ Công nghệ cao 2013 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, những vấn đề bất cập trong ngành này lại một lần nữa được đưa ra thảo luận sôi nổi. Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ta chủ yếu là lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp (DN) nội địa, các DN trong ngành cũng không được ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn…
Lắp ráp vi mạch điện tử tại Công ty Panasonic Vietnam. Ảnh: Thanh Hải
10 năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không có bước tiến nào đáng kể. Rất nhiều DN Nhật Bản than phiền, ở Việt Nam họ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm các nhà sản xuất các sản phẩm hỗ trợ như linh kiện điện tử, ốc vít cho ngành cơ khí, ô tô, công nghệ thông tin… "Hầu hết DN Việt Nam không thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng của các DN Nhật", ông Kazuhiko Osato, Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài của Nhật Bản (Jetro) nói.
Đơn cử như ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, một trong những ngành mũi nhọn trên thế giới và Việt Nam, đóng vai trò quyết định cho tất cả các ngành công nghiệp khác như CNTT, viễn thông, cơ khí và tự động hóa… Các sản phẩm vi mạch rất phong phú từ sản phẩm công nghiệp đến gia dụng như: Thiết bị giải trí gia đình, máy quay phim (AV), máy tính, điện thoại cầm tay, đến các thiết bị cho cơ sở hạ tầng internet, thiết bị y tế, ô tô và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA), có rất ít đơn vị dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này mà mới chỉ tập trung cho việc lắp ráp sản phẩm dựa trên nguồn nguyên liệu và công nghệ ngoại nhập, nếu có cũng là những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN liên doanh với nước ngoài, các DN trong nước thì vẫn vắng bóng.
Tìm hướng đi cho DN
Theo bà Lê Thị Bích Loan - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP), sự trì trệ của ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao có nguyên nhân cốt lõi đầu tiên nằm ở chính sách thu hút đầu tư; thứ hai là công nghệ cho chất lượng sản phẩm cung ứng đồng nhất và đạt quy chuẩn; thứ ba là thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực chuyên nghiệp. Trong khi đó với ngành công nghiệp hỗ trợ, các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm là vô cùng quan trọng, bắt buộc các DN tham gia phải luôn cải tiến công nghệ để phù hợp với nhu cầu sản xuất. Vì vậy, DN cũng mang tâm lý khá dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Kiểm tra linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Vietnam.Ảnh: Đức Tám
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này, phía Jetro đưa ra sáng kiến thành lập liên minh kinh doanh giữa DN hai nước. Theo đó, liên minh này sẽ nhắm đến bốn ngành cơ bản gồm: Ngành tạo khuôn mẫu, chế biến kim loại, cơ khí và công nghệ thông tin. Jetro sẽ là cầu nối giữa các DN hai nước như cung cấp thông tin cung cầu của DN Nhật đến DN Việt Nam, chia sẻ thông tin thị trường, tổ chức các buổi gặp gỡ giữa DN hai nước… Dự kiến trong tháng 10/2013, Jetro sẽ tổ chức buổi kết nối đầu tiên giữa DN hai nước. Ông Peter Opdahl - Chủ tịch Tập đoàn ITO, một công ty chuyên về công nghệ bán dẫn, kết nối bo mạch, công nghệ hàn… kỳ vọng rằng việc thành lập liên minh kinh doanh sẽ giúp DN Việt Nam kết nối sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của Công ty ITO cũng như các công ty Nhật Bản khác.
Được biết, thời gian gần đây, Chính phủ và các Hiệp hội bắt đầu có những định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao thông qua các quyết định, chương trình cụ thể, các chính sách ưu đãi… Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ta, hướng đến tăng tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị hỗ trợ trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao.