70 năm giải phóng Thủ đô

Loay hoay với mô hình bác sỹ gia đình

Ngân Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì sao mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ) được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm lối đi.

Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu tại hội nghị Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế tổ chức ngày 19/12.
Thiếu đủ thứ

Thiếu nhân lực y tế, quá tải bệnh viện (BV) là hai vấn đề y tế “nổi cộm” tại Việt Nam. Cả nước chỉ có 7,5 bác sỹ/vạn dân, trong khi nhiều nước trong khu vực là 15 - 20 và các nước phát triển có đến 30 bác sỹ/vạn dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi vận hành hệ thống y học gia đình theo định hướng thị trường sẽ tháo gỡ được những vấn đề nan giải này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành y tế vẫn đang loay hoay xây dựng, phát triển mô hình BSGĐ, việc thí điểm tại một số địa phương đã được thực hiện, song chưa hiệu quả.

Bác sỹ gia đình khám bệnh định kỳ cho người dân tại nhà riêng ở Hà Nội. Ảnh: Zing.vn

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, giai đoạn 2013 - 2017, Bộ Y tế triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ, thí điểm tại 8 tỉnh, TP là Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tiền Giang. Đến nay, 8 tỉnh, TP đã thành lập được 350 cơ sở khám chữa bệnh bằng y học gia đình, nhưng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Theo đó, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ. Số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ khám chữa bệnh thông thường.

Ngoài ra, hiện nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, ngành y tế cũng chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. “Chưa kể, thanh toán BHYT các dịch vụ tại phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám chữa bệnh còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)” - ông Khuê nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng, thách thức lớn nhất của địa phương khi thực hiện mô hình là cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế trong mạng lưới BSGĐ chưa cụ thể, chưa khuyến khích được hoạt động của đội ngũ này. Ngoài ra, việc phân tuyến thuốc sử dụng theo 4 tuyến quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế vô hình trung tạo rào cản cho bệnh nhân khi muốn khám chữa bệnh tại tuyến xã. Đối với Khánh Hòa hiện cũng chưa có sự kết nối tiếp nhận giữa hệ thống chuyển tuyến của phòng khám BSGĐ.
Vô vàn trở ngại

Để phát triển mô hình BSGĐ hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh như Bộ Y tế đặt ra, đại diện Sở Y tế Quảng Nam kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về y tế. Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nên cho phép phòng khám BSGĐ mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng. Đại diện địa phương này cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép cơ sở triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tại một số cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp giảm tải tuyến trên, giảm tình trạng vượt quỹ BHYT.

Còn đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định bác sỹ tuyến tỉnh, tuyến T.Ư khi trả bệnh nhân về BSGĐ quản lý thì quy định rõ cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, BHYT. Nhiều ý kiến khác lại bày tỏ, chính sách thông tuyến hiện chưa đồng bộ, gây khó khăn cho cả người dân và cơ sở y tế.

Những băn khoăn, vướng mắc nếu không được khắc phục sớm, sẽ gây bất lợi cho cả bệnh nhân và phòng khám BSGĐ. Khi đó, mô hình này tưởng là hướng đi đúng, nhưng lại nhiều trở ngại khiến các bên không mặn mà tham gia.