Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lọc thận có thể gặp những biến chứng gì?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã qua mấy ngày xảy ra vụ 18 bệnh nhân bị tai biến khi đang lọc thận nhân tạo tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hòa Bình, nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng.

Đây là vụ tai biến lớn nhất trong ngành y tế từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia đầu ngành về thận – tiết niệu, quá trình lọc thận, bệnh nhân có thể sẽ gặp phải nhiều biến chứng.
Vì sao phải chạy thận?
TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết, thận là cơ quan chính để bài tiết các sản phẩm, chất độc trong cơ thể con người, nói cách khác thận có chức năng lọc để đào thải các chất độc. Với những người thận bị hư, suy thận thì chức năng lọc để đào thải các chất độc nói trên không đáp ứng được, dẫn tới các chất độc trong cơ thể tăng lên. Đặc biệt, đối với những người đang bị suy thận giai đoạn cuối, lúc này chức năng của thận đã bị suy giảm từ 85 đến 90%, chạy thận chính là giải pháp giúp người bệnh giảm triệu chứng và phục hồi hoạt động của thận.
 Phòng lọc máu tại Bệnh viện Thận Hà Nội lúc nào cũng đông bệnh nhân.   Ảnh:  Thanh Hải
Quá trình chạy thận sẽ giúp lượng nước dư thừa, độc tố, muối và những chất thải trong cơ thể bị tích tụ được thải bỏ ra bên ngoài. Đồng thời giữ lại một số chất như bicarbonate, natri, kali trong máu ở mức đảm bảo an toàn nhất. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có tác dụng giúp người bị suy thận cân bằng được huyết áp.
Nhiều người quan tâm đến tuổi thọ của những bệnh nhân suy thận, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, tùy vào từng bệnh nhân mà thời gian sống cũng khác nhau, còn phụ thuộc vào thể lực, bệnh ở giai đoạn nào, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc ra sao. Bệnh nhân có thể sống được từ 5 đến 10 năm, có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. “Quan trọng, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm lịch chạy thận, có một chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể dục nhẹ nhàng ở mức hợp lý. Ngoài ra, sự lạc quan, yêu đời cũng đóng góp quan trọng vào tình hình sức khỏe và tuổi thọ” - TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Có thể gặp nhiều phản ứng
Triệu chứng hay gặp nhất khi chạy thận là bệnh nhân bị tụt huyết áp, tụt huyết áp có thể xảy ra thiếu máu cơ tim không triệu chứng. Phụ nữ, người bệnh lớn tuổi có tăng huyết áp tâm thu đơn độc, đái tháo đường, và có rối loạn thần kinh tự chủ dễ bị tụt huyết áp trong lúc chạy thận nhân tạo hơn. Triệu chứng buồn nôn và nôn xảy ra trên 10% trường hợp chạy thận thường quy. Nhiều trường hợp lại hay bị chuột rút, nhất là ở những tháng đầu chạy thận. Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Biến chứng đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, thường ít nhiều có đau lưng kèm theo hiện không rõ nguyên nhân, không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu. Trong lúc chạy thận bệnh nhân còn bị ngứa và nhức đầu.
Các hội chứng ít gặp hơn nhưng khá nguy hiểm là mất cân bằng. Đây là một nhóm các triệu chứng toàn thân và thần kinh thường liên quan đến các dấu hiệu đặc trưng trên điện não đồ, có thể xảy ra trong hoặc sau chạy thận. Triệu chứng sớm bao gồm buồn nôn, nôn, bứt rứt và nhức đầu. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm co giật, đờ đẫn và hôn mê. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng máu thông qua các vết chọc ven; tác dụng phụ khi dùng thuốc trong quá trình chạy thận, nhẹ thì dị ứng, nổi mề đay, nặng thì sốc phản vệ…
Những điều bệnh nhân cần lưu ý
Đối với bệnh nhân chạy thận, TS Nguyễn Hữu Dũng lưu ý, nên hạn chế ăn mặn (muối, mắm, mì chính), đặc biệt là các món muối như dưa cà muối, kim chi, dăm bông, thịt ủ muối… Mỗi người thiết kế cho mình một thực đơn dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bao gồm các chất khoáng, vitamin thiết yếu và các nguyên tố vi lượng như magie, canxi, acid folic… Đảm bảo cơ thể đầy đủ năng lượng để không bị suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước khi chạy thận, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, trong đó có xét nghiệm ure, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có tư vấn về chế độ điều trị và dinh dưỡng.
Với bệnh nhân chạy thận, không được ăn các loại thức ăn giàu kali như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu... Nếu kali bị ứ đọng lại trong cơ thể trên 6,5mmo/l sẽ rất nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước. “Chúng tôi đã từng cấp cứu nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì lỡ ăn nhiều hoa quả có hàm lượng kali cao” - TS Dũng cho biết. Cũng theo ông, bệnh nhân chạy thận không nên uống nước ngọt cùng các loại nước có ga, có cồn. Không uống bia, rượu, hút thuốc lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trước khi chạy thận, nên ăn no, đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và không bị hạ đường huyết trong quá trình chạy thận. Ngoài ra, bệnh nhân cần dùng đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê đơn, đến bệnh viện chạy thận đúng giờ, đúng lịch.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết, khi chạy thận, tinh thần đặc biệt quan trọng. Tinh thần tốt, cơ thể mới có thể đáp ứng điều trị tốt nhất vì lúc đó tình trạng tăng huyết áp, suy tim cũng được cải thiện.

Rà soát lại quy trình chạy thận

Sau vụ tai biến y khoa nghiêm trọng làm hàng loạt bệnh nhân tử vong tại BV Đa khoa Hòa Bình, các BV Hà Nội đã rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận đề phòng nguy cơ tai biến cho bệnh nhân.

Tại BV Thận Hà Nội, ông Hà Huy Thắng – Giám đốc BV cho biết, đơn vị đã rà soát lại quy trình chạy thận, tới đây sẽ tập huấn lại cho nhân viên về quy trình này. Bên cạnh đó, toàn bộ nhân viên cũng sẽ được tập huấn ứng cứu bệnh nhân tai biến hàng loạt. Bệnh viện Thận Hà Nội cũng được Sở Y tế giao xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu thận nhân tạo tại tất cả các đơn vị màng lưới, tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị. Đề cập 20 trường hợp bệnh nhân chuyển từ Hòa Bình về, ông Thắng cho biết, tình hình điều trị ổn định. BV đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân, những trường hợp không lo được chỗ ăn chỗ nghỉ, BV đều bố trí nhằm chia sẻ với bệnh nhân, giúp họ yên tâm điều trị. Bên cạnh đó, BV cũng phối hợp với BV Đa khoa Hòa Bình để nắm rõ tiền sử, bệnh tình của từng bệnh nhân được chuyển xuống chạy thận.

Đối với các BV: Đa khoa Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất sẵn sàng đón bệnh nhân nếu BV Đa khoa Hòa Bình tiếp tục chuyển bệnh nhân về Hà Nội, hoặc các tuyến trên chuyển xuống. Đặc biệt, các BV cần lưu ý thực hiện đúng hướng dẫn qui trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra những tai biến, sự cố y khoa.

Trần Nga